Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch trụ sở mới của 8 bộ, ngành

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ nay đến 2014, cơ quan chức năng sẽ giải phóng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật khu Tây Hồ Tây và khu Mễ Trì để xây dựng trụ sở mới của các bộ, ngành.

Theo báo cáo về quy hoạch xây dựng trụ sở bộ ngành và cơ quan trung ương tại Hà Nội đến năm 2030 gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng đề xuất, những công trình có giá trị về kiến trúc cần được bảo tồn, hạn chế phá dỡ làm mất các giá trị thì sẽ ưu tiên cho mục đích văn hóa. Đối với trụ sở nằm ở các khu vực có cơ sở hạ tầng tốt, xa trung tâm, cho phép chuyển đổi sang mục đích thương mại để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới.

Ngoài ra, khuyến khích chuyển đổi chức năng các cơ sở cũ sang mục đích công cộng, không gian xanh phục vụ cho cộng đồng. Việc quản lý sử dụng, chuyển đổi chức năng đất các bộ ngành phải phù hợp với các quy hoạch, quy chế quản lý của thành phố Hà Nội.

Quy hoạch trụ sở mới của 8 bộ, ngành - Ảnh 1

Trụ sở Bộ GTVT ở khu đất "vàng" trung tâm thành phố Hà Nội. Ảnh: Vneconomy.

Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các quỹ đất sau khi di dời sẽ được quản lý chung, sau khi đánh giá giá trị, khả năng chuyển đổi, một số vị trí sẽ giao cho Chính phủ quản lý, một số sẽ giao cho UBND Hà Nội, số khác sẽ chuyển đổi chức năng, đấu giá, tạo nguồn vốn xây dựng chung cho các trụ sở mới.

Việc xây dựng trụ sở bộ ngành sẽ tiến hành theo 3 giai đoạn. Từ nay đến 2014 sẽ giải phóng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật khu Tây Hồ Tây và khu Mễ Trì. Đến năm 2015 sẽ đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan của 6 bộ và một cơ quan thuộc Chính phủ, tiếp theo sẽ triển khai đầu tư xây dựng trụ sở 5 bộ và 5 cơ quan trung ương. Giai đoạn ngoài năm 2020 sẽ di dời và đầu tư xây dựng mới đối với các cơ quan ở nhóm chưa xem xét di dời và các cơ quan phát triển mới.

Bộ Xây dựng cũng xác định 2 khu vực sẽ xây dựng trụ sở bộ ngành mới là khu vực Tây Hồ Tây với diện tích khoảng 27ha, dự kiến xây dựng 8 trụ sở. Khu vực này sẽ bố trí các bộ ngành có nhu cầu di dời trong giai đoạn 1 và có nhu cầu diện tích đất trung bình, gắn với lĩnh vực kinh tế tổng hợp và kinh tế ngành. Các công trình sẽ sử dụng phương án hợp khối, sử dụng chung các tiện ích công công và hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cây xanh cảnh quan, mật độ xây dựng tối đa 30%, cao trung bình 9 tầng.

Tại khu vực Mễ Trì có thể khai thác 20-50ha đất, dự kiến xây dựng 3 bộ và 5 cơ quan trung ương, các đoàn thể. Tại đây sẽ bố trí các cơ quan có nhu cầu đất rộng hơn, phù hợp với các hoạt động của Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, Trung tâm hội nghị quốc gia.

Bộ Xây dựng cũng xác định các nguồn vốn thực hiện từ nguồn vốn nhà nước, vốn từ chuyển đổi các cơ sở cũ, các hình thức đầu tư BOT, BT và PPP và các nguồn vốn xã hội hóa khác.

Các phương án xây dựng cũng được xác định như giao cho các Bộ ngành hoặc UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư xây dựng. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng có thể làm chủ đầu tư thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành sử dụng. Sau khi đầu tư xây dựng xong giao các cơ quan tiếp quản sử dụng.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, khoảng 11 bộ, một cơ quan thuộc Chính phủ và 5 cơ quan trung ương các đoàn thể sẽ phải di dời trong thời gian tới. Hiện tại có 8 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 7 cơ quan thuộc Chính phủ và một cơ quan trung ương đoàn thể ổn định vị trí.

Hiện trụ sở bộ ngành nằm trong nội thành có chỉ tiêu về đất tương đối thấp, như Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch có 0,47ha, Bộ Tài chính có 0,98ha, bình quân đạt 15 m2/người. Nhiều bộ, ngành phải bố trí văn phòng làm việc cho các Cục, Vụ, Tổng cục tại nhiều địa điểm khác nhau gây khó khăn cho công tác điều hành. Ngoài ra các dịch vụ công cộng hỗ trợ, nhà khách, bãi đỗ xe, cây xanh sân vườn đều thiếu đất để xây dựng. Quỹ đất chật hẹp đã ảnh hưởng tới điều kiện làm việc của cán bộ, công chức và gây trở ngại đối với khách đến làm việc tại các trụ sở.