Tuy nhiên, thách thức đặt ra trong quá trình hội nhập đang ngày một rõ nét …” - đó là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, người hoạt động tài chính đưa ra khi đề cập tới ảnh hưởng của TPP đối với hoạt động của các Quỹ TDND hiện nay.
Hai rào cản song hành
Gần một năm trước, nhiều Quỹ TDND trên địa bàn Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung cảm thấy bất ngờ nếu không muốn nói là bị “shock” khi nhận được Thông tư số 04/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên quan tới quản lý hoạt động của các Quỹ TDND. Ông Trần Văn Lượng – Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Thanh Xuân (Sóc Sơn) cho biết, từ khi có Thông tư số 04, hoạt động của Quỹ gặp nhiều khó khăn hơn. Đó là bởi việc huy động tiền gửi và cho vay (hai hoạt động chủ yếu của các Quỹ TDND hiện nay) không còn dễ dàng như trước. Người muốn vay vốn từ Quỹ TDND bắt buộc phải là thành viên của quỹ. Nghe đơn giản, nhưng khi là thành viên của quỹ, người vay phải đóng phí hàng năm, đó là chưa kể các thủ tục đăng ký còn phức tạp.
Bà Mai Thị Thanh Hương – Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Quang Trung (Hà Đông) – một trong những đơn vị thuộc “top” có uy tín trên địa bàn Hà Nội cho rằng, việc huy động tiền gửi từ người dân hiện đang gặp nhiều khó khăn. Ngày càng có nhiều khách hàng lựa chọn các ngân hàng thương mại, do không bị ràng buộc tư cách thành viên. Quan trọng hơn là khách hàng có thể rút tiền gửi bất cứ khi nào. Thực tế, các Quỹ TDND được phép huy động tiền gửi với lãi suất cao hơn các ngân hàng thương mại, nhưng tỷ lệ này chưa đủ sức hấp dẫn người dân.
Bất cập từ Thông tư số 04 chưa được tháo gỡ thì các Quỹ TDND nói riêng, khối các tổ chức tài chính (trong đó có nhóm ngân hàng) nói chung lại đang đứng trước những thách thức không nhỏ từ TPP. Theo TS Nguyễn Vân Hà - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh – Học viện Ngân hàng, hiện nay, tại Việt Nam có trên 60 ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi số ngân hàng của Việt Nam chỉ khoảng 33. Khi gia nhập TPP, sự cạnh tranh của các ngân hàng thế giới sẽ lớn hơn bởi 3 nguyên nhân: Tiềm lực tài chính, sự đa dạng về sản phẩm dịch vụ cung ứng và năng lực quản lý. Thực tế, Quỹ TDND có hoạt động khá tương đồng với ngân hàng thương mại. Vì vậy, nếu không có những phương cách “làm mới mình”, việc bị đào thải sẽ không chỉ còn là nguy cơ.
Đổi mới để phát triển
Sự thâm nhập ngày một sâu rộng của các tổ chức tài chính thế giới vào Việt Nam sẽ tạo nên áp lực lớn cho khối các tổ chức tài chính (trong đó có các Quỹ TDND). Dù vậy, theo TS Nguyễn Vân Hà, thách thức luôn song hành với cơ hội. Nếu các Quỹ TDND biết học hỏi từ quá trình vận hành hệ thống của các tổ chức tài chính thế giới, áp dụng sáng tạo vào nội tại Việt Nam thì khả năng giành chiến thắng trên sân nhà không phải là không có. Niềm tin đó được củng cố thêm bởi thực tế, bất cứ tổ chức tài chính nào đầu tư, phát triển tại Việt Nam đều gặp ít nhiều khó khăn xung quanh bài toán tiếp cận thị trường.
Đề cập tới bất cập trong hoạt động của các Quỹ TDND trên điạ bàn Hà Nội, ông Phạm Văn Vũ – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Chi nhánh Hà Nội) cho rằng, để trụ vững trước những tác động của TPP, các Quỹ TDND buộc phải đổi mới. Trước tiên là thay đổi lề lối làm việc theo kiểu “gia đình” vẫn còn rất phổ biến hiện nay. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực quản trị điều hành. Đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, thay vì chỉ huy động tiền gửi và cho vay đơn thuần như hiện nay.
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Cường – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thông tin, đơn vị đang xúc tiến chương trình hỗ trợ các Quỹ TDND của Hà Nội phát triển thêm dịch vụ thanh toán. Dự kiến, việc thí điểm sẽ được triển khai trong quý II/2016. Ông Cường cũng cho rằng, xây dựng thương hiệu trong hội nhập là vấn đề cần được quan tâm. Đây sẽ là điều kiện để các Quỹ TDND có được chỗ đứng lâu dài trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường tài chính ngày càng khốc liệt.q
Khách hàng giao dịch tại Quỹ Tín dụng Nhân dân Quang Trung (Hà Đông). Ảnh: Trọng Tùng
|
Liên quan tới ý kiến cho rằng, Thông tư số 04 không chỉ gây khó khăn cho hoạt động của 98 Quỹ TDND trên địa bàn Hà Nội, mà còn là rào cản phát triển đối với hầu hết các Quỹ TDND trên cả nước, ông Phạm Văn Vũ – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Chi nhánh Hà Nội) chia sẻ: Cá nhân tôi cùng nhiều đồng nghiệp cũng nhận thấy ít nhiều bất cập từ Thông tư số 04 đối với hoạt động của các Quỹ TDND hiện nay. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình nghiên cứu, tiến tới sửa đổi Thông tư sao cho phù hợp hơn. |