Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy trách nhiệm để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ðại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội ) phát biểu thảo luận ở tổ. Ảnh: TTXVN

Chiều 15/11, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

 
Ðại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội ) phát biểu thảo luận ở tổ. Ảnh: TTXVN
Kinhtedothi - Ðại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội ) phát biểu thảo luận ở tổ. Ảnh: TTXVN
Phân định rõ trách nhiệm

 
Sáng 15/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có tờ trình đề cử nhân sự cho các vị trí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội.

Theo đó, ông Nguyễn Đức Hiền (sinh năm 1955), hiện là Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội được đề cử vào vị trí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ông Nguyễn Lâm Thành (sinh năm 1964), hiện là Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng; Ông Phạm Trí Thức (sinh năm 1959), hiện là Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban; Ông Nguyễn Văn Tuyết (sinh năm 1960), hiện là Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban; Ông Đặng Thuần Phong (sinh năm 1964), hiện là Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban; Ông Vũ Hải Hà (sinh năm 1969), hiện là Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban.
 
Cũng trong sáng 15/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2014. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách T.Ư là 495.189 tỷ đồng; tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 287.511 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách T.Ư là 719.189 tỷ đồng, bao gồm cả 211.585 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách T.Ư  cho ngân sách địa phương.
Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, đại biểu (ĐB) Đỗ Kim Tuyến (đoàn Hà Nội) cho rằng, còn rất nhiều vấn đề thảo luận kỹ hơn, bởi "Có những điểm đưa vào luật như cho có mà chưa tính tới yếu tố khả thi. Tôi có cảm giác Dự luật chưa được xem xét kỹ lưỡng...". Cảm thấy rất bất an với tình trạng các phương tiện vận tải đường thủy thường chở quá nhiều lần số người theo quy định, không trang bị áo phao, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng phải ghi rõ vào luật quy định bắt buộc trang bị áo phao đối với chủ tàu cũng như buộc hành khách phải mặc áo phao khi lên tàu, thuyền.

Bên cạnh đó, nhiều ĐB đề nghị xem xét tính khả thi và phù hợp với thực tế của các quy định về bến thủy nội địa, người lao động sông nước… như trong Dự luật. Theo ĐB Trần Văn Hằng (đoàn Nghệ An), nhiều lao động làm nghề vận tải thủy không đáp ứng quy định về độ tuổi, sức khỏe như yêu cầu của Dự luật, nhưng đó là một thực tế vẫn diễn ra phổ biến ở rất nhiều vùng sông nước. Việc phân định trách nhiệm giữa ngành giao thông vận tải với chính quyền các cấp cũng được ĐB Trần Xuân Vinh (đoàn Quảng Nam) cho là "chưa thật rõ ràng", điển hình là vụ chìm ca nô ở Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) hồi tháng 8/2013 rất khó quy trách nhiệm cụ thể. Hay như hoạt động "nạo vét" mà thực chất là khai thác cát trên sông Đồng Nai được ngành giao thông cho phép, nhưng địa phương lại phản ứng gay gắt với lý do gây sạt lở bờ sông…

Không đánh giá cao dự luật, ĐB Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) cho rằng, phải quy tới cùng trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện giao thông đường thủy. "Họ có thể cho mượn, cho thuê, rồi người thuê, mượn mới gây tai nạn. Nhiều khi thiệt hại rất lớn mà người lái tàu thì có tài sản nào đâu để bồi thường. Thế nên, phải quy hết trách nhiệm cho chủ phương tiện, thì mới có cơ sở giải quyết" - ĐB Nguyễn Đình Quyền nói.

Đơn giản hóa hơn thủ tục xuất nhập cảnh

Thảo luận về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, ĐB Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) thống nhất cao với nhiều nội dung quan trọng của Dự luật, đặc biệt là yêu cầu từng bước hiện đại hóa công tác quản lý xuất nhập cảnh, tạo sự phối hợp thông suốt giữa các cơ quan chức năng trong vấn đề này. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Sơn cho rằng: "Đây mới chỉ là văn bản luật có ý nghĩa gác cổng, vì thế, song song với xuất nhập cảnh phải là công tác quản lý nhân khẩu thường trú, tạm trú với vai trò vô cùng quan trọng của chính quyền các cấp. Vừa qua công tác này làm chưa tốt, dẫn đến nhiều lộn xộn trong quản lý lao động là người nước ngoài, nhất là tại các địa bàn có nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp". ĐB cũng cho rằng còn khá nhiều nội dung có thể đưa hẳn vào luật để tăng cường tính hiệu lực pháp lý thay vì quy định trong nghị định. 

ĐB Nguyễn Đình Quyền kiến nghị, cần quy định rõ hơn về xuất nhập cảnh của người Việt Nam mang hai quốc tịch để tránh những rắc rối pháp lý đã từng xảy ra trong thực tế. ĐB cũng đề nghị ghi rõ trong luật các yêu cầu đảm bảo sự công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh. Ông cũng kiến nghị bổ sung quy định về xuất nhập cảnh trong trường hợp trục xuất, dẫn độ hay chuyển giao người phạm tội, người vi phạm pháp luật.

Cũng về Dự án luật này, ĐB Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) đồng tình với quy định về cấp thị thực điện tử, song đề nghị chỉ nên nêu nguyên tắc và có lộ trình, tránh "quy định cứng rồi máy móc, thiết bị, nhân lực chưa cho phép triển khai ngay lại thành vướng".

 
Chủ tịch nước ký quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Chính phủ

Ngày 14/11, sau khi được sự phê chuẩn của Quốc hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký các quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ đối với các ông Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh; bổ nhiệm chức danh Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Nguyễn Văn Nên.

Cũng trong ngày 14/11, Chủ tịch nước đã ký quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Thiện Nhân và miễn nhiệm chức Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam.

Thời Chính