Hiện đã xuất hiện một luồng tiền dồi dào đổ ra thị trường tài chính thế giới, hứa hẹn sẽ tạo ra một đòn bẩy tích cực cho khu vực châu Á và toàn cầu. Ngay sau khi BOJ hôm 4/4 công bố tăng gấp đôi chương trình mua trái phiếu chính phủ từ 3.400 tỷ lên 7.000 tỷ Yen mỗi tháng và giữ lãi suất cơ bản từ 0 - 0,1%, Chủ tịch Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) Mario Draghi cũng khẳng định sẽ tiếp tục chương trình nới lỏng tiền tệ, duy trì mức lãi suất thấp 0,75% và xem xét mở rộng chương trình này nhằm vực dậy nền kinh tế yếu kém của khu vực.
Thống đốc Ngân hàng T.Ư Nhật Haruhiko Kuroda đã có những quyết định táo bạo.
Trước đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết vẫn thực hiện chương trình nới lỏng định lượng lần 3 với việc mua 85 tỷ USD trái phiếu ít nhất là đến trước mùa hè. Ngân hàng T.Ư Anh (BOE) cũng công bố một kế hoạch mua trái phiếu Chính phủ từ các tổ chức tài chính vào mùa hè này và hy vọng các ngân hàng tăng sử dụng tiền mặt cho các doanh nghiệp và hộ gia đình vay vốn. Với nguồn cung tiền dồi dào được bơm ra thị trường, tiêu dùng nội địa sẽ trở nên sôi động và chi tiêu đầu tư đã giúp các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại châu Á vượt qua tình trạng sụt giảm nhu cầu ở những nơi khác và đẩy chúng trở lại tốc độ quen thuộc.
Liên quan đến động thái bơm vốn của BOJ, ông Frederic Neumann - người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á của HSBC hôm 5/4 nhận định, quyết định trên chắc chắn sẽ tạo ra những vấn đề nhất định đối với các nước châu Á mới nổi, dù không nghiêm trọng bằng chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ. Theo đó, Thái Lan, Malaysia và Indonesia là 3 thị trường có liên hệ truyền thống mạnh nhất với Nhật Bản tại châu Á mới nổi nên dòng vốn của các công ty Nhật sẽ đổ vào các nền kinh tế này nhiều hơn trong những quý tới.