Phát biểu của người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu đã dội thêm gáo nước lạnh lên kỳ vọng của giới đầu tư quốc tế. Trước đó một ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng đã khiến giới đầu tư thất vọng tràn trề khi đưa ra những tuyên bố chung chung về việc hỗ trợ kinh tế tăng trưởng, mà trên thực tế là không hề đưa ra được bất kỳ biện pháp hỗ trợ nào mới.
Phiên trước (2/8) tại Mỹ và châu Âu, các thị trường cổ phiếu cũng đồng loạt lao dốc (riêng tại Mỹ là phiên mất điểm thứ tư liên tiếp) vì quyết định gây thất vọng của ECB và trước đó là của cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Thêm nữa, động thái tương tự của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) khi quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ và lãi suất hiện hành cũng "đổ thêm dầu vào lửa," đẩy các thị trường rơi xuống vùng đỏ.
Thị trường chứng khoán Mỹ vừa khép lại phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp, sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi khiến giới đầu tư thất vọng vì không có hành động tức thì để dẹp yên cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu.
Thị trường còn hết sức thất vọng khi mới trong tuần trước, chính ông Draghi đã cam kết ECB "sẽ làm mọi việc có thể để cứu đồng euro."
Bên cạnh sự thất vọng về việc ECB không giữ đúng cam kết, thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua còn tiếp tục chịu áp lực bởi sự cố kỹ thuật tại công ty môi giới Knight Capital. Cổ phiếu của nhà tạo lập thị trường này đã rớt thảm tới 62,8% xuống còn có 2,58 USD/cổ phiếu, mức thấp nhất từ đầu tháng 10/1998, khiến Knight Capital đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Chốt phiên giao dịch ngày 2/8, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 92,18 điểm, tương ứng 0,71%, xuống còn 12.878,88 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 10,14 điểm, tương ứng 0,74%, xuống còn 1.365 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 10,44 điểm, tương ứng 0,36%, xuống còn 2.909,77 điểm. Tính chung 4 phiên giảm liên tiếp vừa qua, Phố Wall đã mất hơn 1,5%.
Còn tại thị trường châu Á, ngay từ những phút đầu tiên của phiên 3/8, tại Hong Kong và Nhật Bản, hai chỉ số Hang Seng và Nikkei 225 đều đảo chiều đi xuống, để mất lần lượt là 0,77% (tương ứng giảm 152,37 điểm) và 1,31% (-113,47 điểm).
Riêng tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite không bị ảnh hưởng bởi xu hướng đi xuống chung khi tăng 0,19% (3,99 điểm) lên 2.115,17 điểm. Nguyên nhân là do Trung Quốc ngày 2/8 tuyên bố nước này sẽ hạ thấp 20% phí giao dịch cho các nhà đầu tư, bắt đầu từ 1/9 tới, nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán.