Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết định mang tính lịch sử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù biết sớm hay muộn, gói nới lỏng định lượng thứ ba (QE3) sẽ được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm nhưng thay vì đưa ra quyết định này vào tháng 1 hay tháng 3/2014 như đồn đoán của các chuyên gia, FED đã bất ngờ tuyên bố sẽ giảm 10 tỷ USD trong QE3 trị giá 85 tỷ USD/tháng.

Theo nhiều nhà phân tích, động thái bất ngờ trên của FED là vô cùng hợp lý vì ngân sách của chính phủ Mỹ đã được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, tiếp sau Hạ viện, việc Thượng viện Mỹ chính thức thông qua thỏa thuận ngân sách cho hai năm tài khóa 2014 và 2015 (có hiệu lực đến ngày 30/9/2015) hôm 19/12 đã tạm khép lại nỗi lo phải đóng cửa chính phủ như hồi tháng 10. Với mức chi tiêu xấp xỉ 1000 tỷ USD/năm cho hai năm tài khóa tới, ước tính thâm hụt ngân sách của chính phủ Mỹ còn có thể giảm 85 tỷ USD trong vòng 10 năm.

 
Chủ tịch FED sắp mãn nhiệm Ben Bernanke và Chủ tịch chuẩn bị kế nhiệm Janet Yelle. 	Ảnh: AFP
Chủ tịch FED sắp mãn nhiệm Ben Bernanke và Chủ tịch chuẩn bị kế nhiệm Janet Yelle. Ảnh: AFP

Nguyên nhân thứ hai là nhờ sự cải thiện rõ rệt trên thị trường và điều kiện lao động với tỷ lệ tham gia thị trường lao động tăng 0,2 điểm phần trăm trong tháng 11, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 7%, mức thấp nhất kể từ 5 năm qua. Lý do thứ ba là tâm lý của thị trường đã dần ổn định, khác hẳn với sự hoảng loạn khi FED lần đầu công bố về dự định cắt giảm QE3 hồi tháng 5 vừa qua. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn muốn FED nhanh chóng rút bớt số tiền bơm ra thị trường mỗi tháng. Thực tế, tâm lý này đã được kiểm chứng khi chứng khoán Mỹ đã có phiên tăng cao kỷ lục sau khi quyết định trên được đưa ra.

Tuy nhiên, FED chỉ rút bớt 10 tỷ USD trong gói 85 tỷ, một con số không phải là nhiều như dự báo của nhà đầu tư cho thấy định chế tài chính này vẫn chưa hoàn toàn yên tâm về nền kinh tế Mỹ. Nhất là khi mục tiêu lạm phát 2% vẫn chưa đạt được, trong khi tăng trưởng GDP thực tế và thất nghiệp vẫn chưa giảm xuống mức 6,5% như mục tiêu. Vì thế, không ngạc nhiên khi FED quyết định sẽ chưa nâng lãi suất hiện đang thấp kỷ lục đến năm 2015.

Hiện các thị trường toàn cầu đang phản ứng trái chiều và khá thận trọng với động thái trên của FED nên chưa thể đánh giá đúng tác động của quyết định này đến nền kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung. Tuy nhiên, một điều có thể khẳng định rằng, quyết định hợp lý, đúng thời điểm trong phiên họp cuối cùng dưới sự điều hành của Chủ tịch đương nhiệm đã để lại dấu ấn mang tính lịch sử cho một "triều đại" mang tên Ben Bernanke. Không những thế, quyết định này sẽ tạo tiền đề thuận lợi để nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử của FED - bà Janet Yelle tiếp quản việc điều hành định chế tài chính quan trọng này trong năm tới.