Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết liệt bằng những giải pháp căn cơ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 7/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội...

Kinhtedothi - Chiều 7/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) Nhà nước TP Hà Nội. Tại buổi họp, những vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa (CPH) DN Nhà nước của Hà Nội đã được Phó Thủ tướng chỉ đạo, tháo gỡ. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, sắp tới, Hà Nội sẽ thành lập ban chuyên trách để đẩy mạnh tiến trình này.

Nhiều khó khăn trong xác định giá trị doanh nghiệp

Theo ông Phạm Công Bình - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, Phó trưởng Ban Đổi mới và phát triển DN Hà Nội, hầu hết trong quá trình thực hiện, các DN đều thừa nhận, việc sắp xếp, CPH gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ vốn bán ra ngoài DN thành công thấp, vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết kịp thời. Điểm khó khăn và gây nhiều thắc mắc nhất trong công tác này chính là việc định giá tài sản. Theo ông Bình, có những DN ra đời lâu, nên có rất nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc, đó là việc theo dõi công nợ dây dưa, tồn tại từ lâu do hồ sơ thay đổi từ các đời giám đốc trước, nên đối chiếu rất khó khăn, mất nhiều thời gian. Có nhiều khoản chỉ ghi lại trên sổ kế toán, còn hồ sơ không có... (như trường hợp của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ, Haprosimex...).

Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) - một trong 5 tổng công ty đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu, trong năm nay sẽ CPH 3 DN thành viên, 8 DN thoái vốn. Ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Hapro cho biết, trong quá trình triển khai có 2 khó khăn, đó là xác định giá trị DN, đặc biệt là những DN kinh doanh rộng đều mắc công nợ khó đòi. Với trường hợp vốn đầu tư vào công ty liên doanh, hoặc cơ cấu vốn đối với những công ty sáp nhập, liên doanh, liên kết, chuyển nhượng vốn..., đề nghị Chính phủ và TP có cơ chế tính toán sao cho hợp lý.

 
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Hải
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Hải
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cũng băn khoăn, trong quá trình CPH sắp xếp giải quyết lao động dôi dư lớn. Vì vậy, để tháo gỡ những vướng mắc này, Nhà nước cần có chính sách để xử lý lao động dôi dư, có nguồn tài chính để thực hiện chính sách này trước khi CPH.

Doanh nghiệp phải cam kết cổ phần hóa đúng hạn

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, ngay từ khi có văn bản của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch sắp xếp, đổi mới DN 100% vốn Nhà nước, Hà Nội đã lên kế hoạch chi tiết cho từng năm để triển khai thực hiện. Theo đó, yêu cầu các tổng công ty phải chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể công tác sắp xếp CPH DN và bộ phận DN trực thuộc, đồng thời chủ động chỉ đạo các bộ phận thực hiện để đảm bảo đúng tiến độ TP quy định.

Căn cứ kế hoạch do các DN xây dựng, Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành, DN xem xét, đánh giá thẩm định, trình UBND TP ban hành chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của 50 DN năm 2014 (bao gồm DN 100% vốn Nhà nước và các DN có vốn Nhà nước trên 50%) và giao chỉ tiêu giám sát đặc biệt đối với 3 DN (Công ty TNHH MTV: Xuất nhập khẩu Đầu tư xây dựng phát triển Hà nội; Haprosimex; Mai Động)

Chủ tịch UBND TP thừa nhận, đến nay, việc CPH có chững lại, gặp khó khăn nhưng còn do thiếu kiên quyết xử lý trong một số trường hợp. Ví dụ như với trường hợp Công ty TNHH Tuổi trẻ, tinh thần của TP là nếu nợ nần dây dưa không có chứng từ thì nên cho phá sản, giải thể ngay. Thậm chí, liên quan đến pháp luật phải phong tỏa, kiểm soát. Đồng thời cương quyết, tới đây, việc thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu, CPH phải quyết liệt với những giải pháp căn cơ hơn, cụ thể hơn. TP cũng đề nghị Chính phủ cho phép thành lập ban chuyên trách 24/24 giờ CPH DN, nếu có vướng mắc báo cáo TP để kiến nghị các bộ, ngành T.Ư.

Tháo gỡ ngay khi phát sinh

Chia sẻ những khó khăn trong việc CPH của Hà Nội hiện nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng, quyết tâm từ những người đứng đầu là điều kiện tiên quyết để kế hoạch tái cơ cấu DN Nhà nước năm 2014 - 2015 về đích đúng kế hoạch. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc sắp xếp, CPH DN sẽ không phân biệt theo cấp, mà thực hiện theo ngành. "Việc CPH có thể được thực hiện ở những khâu, công đoạn cụ thể, thay vì nhất thiết phải thực hiện cả lĩnh vực như trước đây. Trong quá trình triển khai thực hiện, vướng đến đâu, gỡ đến đấy. Khi các bộ, ngành báo cáo, Chính phủ đều đặc biệt quan tâm, tích cực nghiên cứu để tìm ra phương án giải quyết hiệu quả, phù hợp" - Phó Thủ tướng nói.

Về kiến nghị phê duyệt kế hoạch sắp xếp đối với 5 xí nghiệp môi trường đô thị, Phó Thủ tướng đồng tình với đề xuất thực hiện sáp nhập rồi nhanh chóng CPH ngay. Phó Thủ tướng cũng ủng hộ phương án đề xuất TP được giữ lại số tiền thu được từ bán phần vốn Nhà nước khi CPH các DN để thực hiện Đề án tái cơ cấu DN đã được phê duyệt nhằm tăng sức cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD, nhưng theo quy định chung vẫn phải nộp về tập trung vào ngân sách, sau đó làm đề xuất lên phương án kiến nghị. "Vừa rồi, TP Hồ Chí Minh đã giữ lại, rồi sau đó cũng phải nộp về và lên phương án sử dụng hợp lý, sẽ phê duyệt" - Phó Thủ tướng chia sẻ, đồng thời, tin tưởng kế hoạch CPH của Hà Nội giai đoạn  2012 - 2015 sẽ hoàn thành.
Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 2252/TTg - ĐMDN ngày 29/12/2012 từ năm 2012 - 2015, TP Hà Nội thực hiện CPH 56 DN Nhà nước (trong đó có 35 DN và 21 bộ phận DN). Giai đoạn 2012 - 2013, Hà Nội đã sắp xếp CPH được 11 DN, nhiệm vụ còn lại năm 2014 - 2015 là CPH 45 đơn vị. Dự kiến, năm 2014, Hà Nội sẽ CPH tiếp 27 DN, còn lại đến năm 2015 là 18 DN. Và đến năm 2020, Hà Nội chỉ giữ lại 10 DN Nhà nước.