Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết liệt các giải pháp điều hành, duy trì tăng trưởng ổn định

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 2/12, Kỳ họp thứ 8, HĐND TP (Khóa XIV) đã chính thức khai mạc. Kỳ họp lần này xác định những giải pháp chủ yếu cần tập trung trong năm 2014 và chặng đường còn lại của kế hoạch 5 năm (2011 - 2015).

>>> Ý kiến đại biểu

Kinh tế vẫn duy trì ổn định

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 8, HĐND TP lần này có ý nghĩa quan trọng, là dịp để nhìn lại chặng đường trong 3 năm qua, nhất là đánh giá toàn diện tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và các mặt công tác khác trong năm 2013; xác định những giải pháp chủ yếu cần tập trung trong năm 2014 và chặng đường còn lại của kế hoạch 5 năm (2011 - 2015). Vì vậy, Chủ tịch HĐND TP đề nghị: "Các vị đại biểu có trách nhiệm phân tích thấu đáo, tổng kết những kinh nghiệm hay, những thành công đạt được; chỉ rõ những yếu kém, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của các hạn chế, yếu kém để tìm ra các giải pháp hữu hiệu, khả thi trong chỉ đạo điều hành".

 
Quyết liệt các giải pháp điều hành, duy trì tăng trưởng ổn định - Ảnh 1
 
Thay mặt UBND TP, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh đã  trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, nhiệm vụ năm 2014. Báo cáo nêu rõ, với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự cố gắng nỗ lực của doanh nghiệp, nhân dân, nên kinh tế Thủ đô vẫn duy trì ổn định, có mức tăng trưởng cao hơn, lạm phát được kiềm chế thấp hơn năm 2012. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8,25% - đạt kế hoạch đề ra là từ 8,0 - 8,5% và cao hơn năm trước (năm 2012 là 8,06%) và bằng 1,53 lần mức tăng chung của cả nước; trong đó, dịch vụ tăng 9,42%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,56% và nông nghiệp tăng 2,46%. Trong điều kiện khó khăn về kinh tế, thu ngân sách bị giảm nhiều, TP đã chỉ đạo quyết liệt để thực hiện thu đúng, thu đủ, đồng thời tiết kiệm chi, huy động nguồn lực để đảm bảo chi theo dự toán. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 136.767 tỷ đồng, bằng 84,7% dự toán. 
 
Năm 2014, TP Hà Nội tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong ảnh: Tại phân xưởng may xuất khẩu của Tổng Công ty May Đức Giang.     Ảnh: Trần Việt
Năm 2014, TP Hà Nội tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong ảnh: Tại phân xưởng may xuất khẩu của Tổng Công ty May Đức Giang. Ảnh: Trần Việt
7 nhóm giải pháp cho năm 2014
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho rằng, kinh tế - xã hội Thủ đô còn một số tồn tại, hạn chế như sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn; kim ngạch xuất khẩu, vốn đầu tư xã hội không đạt kế hoạch. Thị trường bất động sản tuy có chuyển biến, song còn chậm; thu ngân sách không đạt dự toán. Công tác đấu giá đất gặp khó khăn, thu tiền sử dụng đất đạt thấp. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được khắc phục…Ngoài yếu tố khách quan do tác động nặng nề, phức tạp của suy thoái kinh tế thế giới và những yếu kém nội tại của nền kinh tế, báo cáo của UBND TP cũng thẳng thắn nhận định nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do trong lãnh đạo, quản lý, điều hành ở một số cấp, ngành, lĩnh vực trong giải quyết công việc chưa thực sự quyết liệt, còn trì trệ, thiếu năng động sáng tạo; cách thức triển khai giải quyết các vấn đề "nóng", nhạy cảm, bức xúc còn dè chừng hoặc có làm nhưng chưa được nhìn nhận thẳng thắn, không có đánh giá sâu về vấn đề đã xảy ra và đề xuất giải pháp tháo gỡ trong giai đoạn trước mắt cũng như lộ trình dài hạn.
 
 Các đại biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, HĐND TP Hà Nội (Khóa XIV). Ảnh: Quỳnh Anh
Các đại biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, HĐND TP Hà Nội (Khóa XIV). Ảnh: Quỳnh Anh
 
Xác định năm 2014 còn nhiều khó khăn, vì vậy, TP xác định triển khai đồng bộ thực hiện 7 nhóm giải pháp. Trong đó, về kinh tế tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tập trung rà soát, sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp; duy trì hoạt động thường xuyên của Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng và lợi thế, có hàm lượng trí tuệ, hàm lượng công nghệ mang lại giá trị gia tăng cao như du lịch, khu vui chơi giải trí, viễn thông, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, hỗ trợ kinh doanh...

Với lĩnh vực đô thị, TP cũng sẽ đẩy mạnh công tác quy hoạch, huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới. Hoàn thành phê duyệt 17 quy hoạch phân khu, 1 quy hoạch ngành, các quy hoạch chi tiết xây dựng hạ tầng, khu đô thị và quy hoạch sử dụng đất 29 quận, huyện. Cùng với đó, thực hiện đổi mới cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư; tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách Nhà nước, khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải. Kiểm soát chặt chẽ các dự án, công trình khởi công mới, kiên quyết xử lý các địa phương, đơn vị để tình trạng nợ đọng XDCB mới phát sinh và tập trung giải quyết nợ đọng đến 2015. Tập trung nguồn vốn cho các dự án, công trình cấp thiết về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, phục vụ dân sinh bức xúc, giảm nghèo. Thực hiện quyết liệt trong công tác giải ngân và đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm... 
 
Năm 2014, TP phấn đấu tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 8,5 - 9%; GRDP bình quân đầu người: 57,5 - 58 triệu đồng; Thu ngân sách: 126.214 tỷ đồng; Giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm trước: 0,8%; Số xã được công nhận cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm: 62; Số trường công lập tăng thêm: 120; Số Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (cấp lần đầu): Cấp cho tổ chức 2.000 giấy, cấp cho hộ gia đình 40.000 giấy. 
Trong phiên thảo luận tại tổ, một số đại biểu cho rằng, công tác cải cách hành chính mà cụ thể là thực hiện "Năm cải cách hành chính" tại nhiều đơn vị hiệu quả còn thấp, đại biểu Nguyễn Đình Dương (Từ Liêm) dẫn chứng ví dụ về "kỷ cương chưa nghiêm" từ tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, dù đã được cảnh báo khá sớm với khá nhiều biện pháp, nhưng đến hết năm, số nợ vẫn gia tăng. Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông) cũng đề nghị phải quyết liệt hơn với công tác cải cách hành chính, bởi hiện nay một số lĩnh vực có chuyển biến khá chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển chung như cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất của các dự án vi phạm tiến độ…