Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết liệt các giải pháp hỗ trợ sản xuất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2013 giảm 0,19% so với tháng trước (là tháng có chỉ số giảm sau 7 tháng tăng liên tiếp) có nguyên nhân do tổng cầu giảm, sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, hàng hóa tiêu thụ chậm, tồn kho tăng cao.

Vì vậy, cùng với những giải pháp cấp bách nhằm phục hồi nền kinh tế, việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) được các thành viên Chính phủ tập trung bàn thảo.
 
Quyết liệt các giải pháp hỗ trợ sản xuất - Ảnh 1
 
Toàn cảnh Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2013.

GDP tăng, lạm phát giảm nhưng chưa bền vững

Mặc dù mức tăng trưởng quý I/2013 đạt 4,89% nhiều chỉ tiêu cao hơn so với quý I/2012, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp... nhưng khi đi sâu vào phân tích,  các thành viên Chính phủ đều cho rằng, tăng trưởng đạt được trong quý I là nhờ vào dịch vụ, xuất khẩu…
 
Trong khi đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng đều có mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm trước. Chi phí đầu vào cao, sức mua giảm, tiêu thụ hàng hóa chậm, DN gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, việc thực hiện tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản chậm được giải quyết... vẫn đang là những thách thức không nhỏ với nền kinh tế.
 
Chính vì thế, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá những kết quả trên chưa thực sự  căn cơ, bền vững, còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại.

Do đó, tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phải quan tâm đặc biệt đến việc tháo gỡ nút thắt này, đồng thời tiếp tục tính toán, xem xét các giải pháp hiệu quả nhằm xử lý hàng tồn kho, nợ xấu. Xây dựng lộ trình cụ thể về điều chỉnh giá than, điện, song phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo không tác động lớn đến kinh tế vĩ mô và mục tiêu kiềm chế lạm phát.

“Theo thông tin chưa đầy đủ, Việt Nam có trên 10 triệu xe máy không chính chủ, tuy nhiên Chính phủ có quan điểm thuyết phục mọi người dân có ý thức chuyển đổi sở hữu phương tiện. Chính vì thế, Bộ Công an đã ngừng việc dừng phương tiện giao thông để kiểm tra xe chính chủ. Đối với các điểm đăng ký xe, Bộ Công an có trách nhiệm kiểm tra xem xe có chính chủ hay không.” Ông Vũ Đức Đam - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Nhiều giải pháp giải cứu doanh nghiệp

Dành ưu tiên cho thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, xử lý nợ xấu, giải quyết hàng tồn kho, tạo đà cho phục hồi tăng trưởng… được các thành viên Chính phủ thống nhất là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác điều hành thời gian tới.

Số liệu trước đó của Bộ KH&ĐT đưa ra cho thấy, trong quý 1/2013 số DN đăng ký thành lập mới giảm 6,8% về số lượng và 16,1% về vốn so với quý 1/2012 cho thấy sức khỏe của DN nói riêng và của nền kinh tế nói chung đang rất cần những hỗ trợ cụ thể và kịp thời.

Bên cạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liện Nghị quyết 01, 02/NQ - CP  của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo các giải pháp hỗ trợ về vốn, thuế, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh của DN trên cơ sở áp dụng các chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; tăng dư nợ tính dụng, đưa tín dụng vào sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện lộ trình hạ lãi suất cho vay, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn,…

Tại buổi họp báo chiều ngày 29/3, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cung cấp thêm thông tin, trong phiên họp lần này, Thủ tướng Chính phủ lưu ý các bộ, ngành địa phương phối hợp hiệu quả trong thực hiện lộ trình tăng giá một số mặt hàng, dịch vụ, song phải tránh tác động gây tăng CPI đột biến cũng như những tác động bất lợi đến nền kinh tế…

Chính vì thế, trước những câu hỏi của phóng viên về việc tăng giá xăng, dầu (ngày 28/3), Chính phủ các các bộ, ngành đã tính đến những ảnh hưởng của nó trong thời gian tới hay không? Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, nhằm phục vụ bình ổn giá, kiểm soát lạm phát và quan trọng là không gây thêm khó khăn cho người dân và DN, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã từng yêu cầu chưa tăng giá xăng, dầu. Tuy nhiên, trước tình hình Quỹ bình ổn giá đã sử dụng hết khả năng, mặc dù giá xăng, dầu thế giới có đi xuống nhưng giá bán xăng, dầu trong nước vẫn thấp hơn nên cần điều chỉnh. Chính phủ cũng đã yêu cầu các Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT có những đánh giá cụ thể về mức độ ảnh hưởng của việc tăng giá xăng, dầu đến CPI. Thậm chí yêu cầu các bộ đánh giá rõ là ảnh hưởng vòng 1 là bao nhiêu %, còn lại vòng 2, vòng 3 là bao nhiêu %.

Tại phiên họp lần này, các thành viên Chính phủ cũng dành nhiều thời gian bàn về thành lập công ty mua, bán nợ. Vì đây là công ty đặc biệt, không chỉ dừng lại ở mức xử lý nợ giữa các ngân hàng mà còn tác động nợ giữa DN và ngân hàng như thế nào. Chính vì thế, việc thành lập công ty có tác động không nhỏ trong việc tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay.

Liên quan đến việc cấp mã số công dân, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, nếu chúng ta tiến hành đồng bộ và dùng chung cho tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước, DN nữa thì sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi thanh toán các hóa đơn dịch vụ với các công ty... Nhưng để làm được như vậy phải mất một thời gian dài, tiến hành một cách khoa học do liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau và nguồn kinh phí dành cho nó cũng không nhỏ.