KTĐT - Buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp. Nhận định trên của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng - Trưởng ban chỉ đạo 127 thành phố Hà Nội được đưa ra tại Hội nghị “Khen thưởng đột xuất các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu”.
Chiều 18-1-2011, bà Nguyễn Thị Như Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, càng về những ngày cuối năm, giá cả một số hàng hóa, lương thực, thực phẩm có xu hướng nhích lên. Kèm theo đó, hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, nhập lậu trên địa bàn diễn ra với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng.
Để đối phó với các lực lượng kiểm tra, kiểm soát, hàng lậu được phân tán gửi theo các phương tiện giao thông đường sắt, đường bộ, đường sông thậm chí cả đường hàng không, bưu điện… từ nơi tập kết tại các tỉnh lân cận, sau đó được vận chuyển bằng xe máy và ô tô khách vào thành phố. Đáng chú ý, một số đối tượng đầu nậu câu kết móc nối từ phía nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước để nhập lậu một số mặt hàng có lợi nhuận cao. Phổ biến nhất là điện thoại di động, thiết bị kỹ thuật số, rượu, thuốc lá điếu, quần áo may sẵn, vải ngoại, mỹ phẩm... với số lượng lớn. Xuất xứ hàng hóa chủ yếu từ Trung Quốc. Hoạt động này gia tăng vào dịp cuối năm đã gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Theo Chi cục QLTT Hà Nội, trong quý IV-2010 và 15 ngày đầu tháng 1-2011, lực lượng chức năng đã kiểm tra 2.365 vụ, xử lý 2.088 vụ, thu tổng số tiền 21,098 tỷ đồng. Đặc biệt, trong những ngày đầu năm 2011, lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường đã đấu tranh khám phá 1 vụ, tạm giữ và xử lý toàn bộ số hàng hóa trên 4 toa tàu. Tổng số hàng hóa tạm giữ là 346 kiện hàng gồm: quần áo, mỹ phẩm, đồ điện tử do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ được vận chuyển từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) về Hà Nội. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 12 tỷ đồng.
Thượng tá Lê Hồng Sơn - Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - Công an thành phố Hà Nội, người trực tiếp tham gia phá vụ vi phạm nêu trên cho hay: Các đối tượng vi phạm sử dụng tàu hỏa để vận chuyển gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra, bởi đây là phương tiện đặc thù. Không những thế, các đối tượng còn chống trả quyết liệt lực lượng chức năng bằng cách ném gạch đá, tấn công lực lượng thi hành nhiệm vụ. 18 đồng chí thuộc phòng, 60 chiến sĩ cảnh sát cơ động (Công an thành phố Hà Nội), 30 chiến sĩ Công an quận Long Biên và Đội QLTT số 3 phải rất vất vả mới áp tải được hàng hóa vi phạm về kho an toàn.
Ngoài ra, trong dịp cao điểm này, lực lượng liên ngành thành phố tịch thu nhiều loại hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ với tổng trị giá 700 triệu đồng (ngày 4-1-2011); Khám phá 1 vụ tạm giữ 40 tấn hàng nhập lậu, kiểm tra xử phạt hành chính và tịch thu tòan bộ số hàng hóa có giá trị gần 1,5 tỷ đồng; Chủ động kiểm soát việc vận chuyển hàng hóa từ Lạng Sơn về Hà Nội.
Về gian lận thương mại, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thị Như Mai cho biết, việc xuất hóa đơn khống, mua hóa đơn khống, quay vòng chứng từ, khai hải quan không đúng loại hàng, khai thấp số lượng để hợp thức hóa hàng lậu vẫn diễn ra phổ biến. Bên cạnh đó, do tình hình xuất khẩu của các nước xung quanh giảm, nhiều hàng hóa giá rẻ được tìm cách đưa vào Việt Nam tiêu thụ. Hàng Trung Quốc đang đổ vào thị trường nước ta với quy mô ngày càng lớn, nhất là dịp Tết Nguyên đán này đang tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt với hàng sản xuất trong nước.
Nhận định tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong thời điểm này có diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Huy Tưởng nhấn mạnh: “Cần triển khai chống buôn lậu, gian lận thương mại quyết liệt và khẩn trương hơn nữa. Ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng này chính là góp phần thúc đẩy kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển mạnh mẽ”.