Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết liệt đấu tranh với tội phạm và phòng, chống tham nhũng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 29/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật về tội phạm, kết quả thực hiện Nghị quyết 37/2012/QH13 của Quốc hội và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

Các đại biểu đều khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đem lại niềm tin cho nhân dân. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng bày tỏ quan ngại trước tình hình tội phạm đang tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết liệt hơn của các ngành chức năng.

 
Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội)
Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội)

Tội phạm vẫn diễn biến phức tạp

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) cho rằng, tình hình tội phạm đang gây nhức nhối trong xã hội, không gia tăng về số vụ thì lại tăng về tính chất nguy hiểm, manh động và càng ngày càng trẻ hóa, trong khi có rất nhiều chương trình phòng chống tội phạm đang được triển khai. Điều này đặt ra dấu hỏi về hiệu quả công tác này.

Đại biểu Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) cũng bày tỏ: “Chưa khi nào lòng dân bất an như bây giờ. Bà con phản ánh bây giờ ra ngõ gặp tội phạm, thậm chí không cần ra ngõ nữa mà kẻ cướp đã vào từng nhà, manh động tấn công người để lấy cắp, uy hiếp”. Theo ông, Chính phủ cần phải nhìn nhận đánh giá một cách nghiêm túc về vấn đề này, bởi nếu cứ mải mê chạy theo các con số tăng trưởng kinh tế mà quên đi việc đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội thì sẽ rất nguy hiểm.

Về trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi để tội phạm hoành hành, các đại biểu nhấn mạnh vai trò của chính quyền cơ sở. Đại biểu Đào Thị Xuân Lan (đoàn Hưng Yên) cho rằng, quản lý Nhà nước ở cơ sở còn nhiều lỗ hổng nên có nơi, người dân mất niềm tin vào chính quyền và lực lượng công an và không dám tố giác tội phạm.

Đại biểu Lê Văn Hoàng (đoàn Đà Nẵng) cũng đặt vấn đề có sự bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm hay không? Ông Lê Văn Hoàng nói: “Lực lượng công an các cấp biết hết, nắm được hết các đối tượng, các nhóm tội phạm, nhưng có điều họ có xử lý, có bắt hay không, có đấu tranh kiên quyết hay không”. Liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước, bởi hiện còn khá nhiều lĩnh vực chưa chặt chẽ nên khi xảy ra vụ việc, không rõ cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm.

Đi sâu phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật phức tạp, đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho rằng chế tài xử lý vi phạm hiện chưa đủ mạnh. “Tại Ukraina, nếu lái xe bị phát hiện uống rượu sẽ bị phạt 2.000USD, phải lao động công ích; vi phạm lần 2 sẽ bị thu bằng vĩnh viễn. Phải phạt nặng như thế thì người dân mới không dám vi phạm”, ông Chung nêu ý kiến và đề nghị đối với cơ quan nào xảy ra nhiều vi phạm, lãnh đạo đơn vị cũng phải chịu trách nhiệm. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) cho rằng cần có cơ chế xử lý mạnh hơn đối với cán bộ, công chức vi phạm hành chính.

 

Chống tham nhũng với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể hơn

Một nội dung cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm và đánh giá là công tác phòng, chống tham nhũng đạt kết quả chưa cao. Đại biểu Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) đề nghị nếu có đánh giá về tham nhũng cần có địa chỉ cụ thể, con số chính xác, bởi “Cứ nói nhiều nhưng phát hiện và xử lý rất ít, vậy yếu kém ở đâu mà không làm rõ được?”.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) đặt câu hỏi về hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là việc kiểm tra nội bộ, bởi “Hầu hết đều xuôi chiều”; thậm chí có vụ thiệt hại hàng tỷ đồng mà chỉ xử lý kỷ luật hoặc sử dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ để cho hưởng án treo. Đại biểu Quyền cũng cho rằng biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống tham nhũng vẫn là công khai minh bạch trên tất cả các lĩnh vực để người dân biết, thực hiện và giám sát.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ băn khoăn: “Bây giờ tôi rất sợ mất niềm tin của dân, mất dân là hết sức nguy hiểm. Phải tập trung đi vào nơi nhiều tiền, nhiều quyền lực để đấu tranh, chứ đừng đi vào những việc vụn vặt. Phải tập trung vào lĩnh vực nắm tiền ngân sách, tư lợi, tha hóa. Nếu không thay đổi cách đánh dàn trải như hiện nay thì sẽ khó có hiệu quả cao”.

Ông Đương kiến nghị Quốc hội kỳ này có nghị quyết cụ thể về phòng, chống tham nhũng và tội phạm, có mục tiêu, giao nhiệm vụ cụ thể cho cơ quan tư pháp để tạo đột biến. Cùng với đó là trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, công an địa phương và xử lý nghiêm nếu không phát hiện trong thời gian dài.