Nhiều lớp dạy thêm đã đột ngột đóng cửa khi các đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT tiến hành kiểm tra gần 20 trường trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, ngay sau đó, các lớp học thêm đã được duy trì trở lại với những thay đổi về cách thức và địa điểm nhằm đối phó với các quy định. Từ chỗ nghỉ dạy thêm ở trường, các cô thuê địa điểm xa trường hoặc dạy ở nhà riêng. Có lớp học vào thứ Bảy, Chủ nhật, có lớp học vào các buổi tối (từ 19 giờ đến 21 giờ). Không ít cô giáo đưa ra gợi ý rất "khéo" để phụ huynh cho con đến học. Như chị Hà Hợp (quận Hà Đông) có con học lớp 1 chia sẻ: "Sau 2 tháng đi học, tôi nhận được nhận xét của cô dành cho cháu "đọc, viết kém quá". Ngay lập tức, tôi đưa con đến nhà cô 3 buổi/tuần, "nhờ" cô giúp con tiến bộ. Trước đó, tôi biết cô có mở lớp dạy thêm từ đầu năm học tại địa điểm thuê gần trường, nhưng nghĩ con mới chỉ tập viết, tập đọc, làm quen với toán trong phạm vi 10, nên chỉ kèm cháu học thêm buổi tối ở nhà". Hiện còn một hình thức tổ chức dạy thêm "núp bóng" các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, mà người giảng dạy vẫn là giáo viên của trường.
Vẫn còn nhiều bất cập khi quản lý dậy thêm , học thêm. Ảnh : Thanh Ngọc
Vậy là, dù Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT đã nêu rất rõ: Không được dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học… nhưng giáo viên vẫn "lách" quy định. Điều đáng nói, giáo viên thuê địa điểm trong các khu dân cư, khu tập thể chật hẹp và thiếu ánh sáng. Có lớp diện tích khoảng 12 - 15m2, chỉ có 1 bóng đèn tuýp nhưng có đến 25 - 30 cháu cùng học. Điều này khó đảm bảo chất lượng dạy và học, chứ chưa nói đến những tác động kèm theo cho học sinh, ví dụ như bệnh cận thị, vẹo cột sống…
Sâu xa vẫn là đời sống giáo viên
Ngành giáo dục thời gian này khá ráo riết với việc chấn chỉnh hoạt động DTHT. Điều này được nhiều người đồng tình, ủng hộ, song cũng có những ý kiến cho rằng, cần có sự kiểm tra, xử lý sao cho hợp lý, hợp tình. Một giáo viên ở Hà Nội kể: "Tôi đang dạy học sinh thì đoàn kiểm tra ập đến. Ngoài đại diện nhà trường, Phòng GD&ĐT, còn có đại diện chính quyền, công an… Xem xét theo Thông tư số 17 của Bộ GD&ĐT ban hành, thì tôi có lỗi. Nhưng cách "ập đến, bắt quả tang giáo viên tại chỗ, lập biên bản, đề nghị ký xác nhận" trước mặt học sinh, khiến giáo viên suy sụp tinh thần". Liệu có cách quản lý nào khác hơn, ngoài việc làm hệt như bắt buôn lậu thế này? Việc "thủ tục hóa" trong quản lý DTHT mà không tính đến khía cạnh nhân văn, hiệu ứng giáo dục xem ra chỉ dẹp được hoạt động "dạy thêm tử tế" mà không dẹp được nạn dạy thêm tiêu cực. Như ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT phân tích: DTHT trái quy định thực chất là hành vi vi phạm pháp luật, cần được phát hiện kịp thời, xử lý đúng quy định pháp luật. Vi phạm này tồn tại dai dẳng nhiều năm, phải có giải pháp vừa quyết liệt, vừa căn cơ. Tuy nhiên, quyết liệt không đồng nghĩa với thô bạo.
Nguyên nhân sâu xa trong việc DTHT, như GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ ra, đó là đời sống của đội ngũ nhà giáo còn khó khăn, tâm tư nặng nề, vì vậy nhiều hoạt động giáo dục đã bị thương mại hóa, nảy sinh tiêu cực. Như vậy, chỉ khi thay đổi được cách dạy và học, thoát khỏi áp lực về thi cử, giáo viên sống được bằng nghề mới mong giải được tận gốc bài toán DTHT.