Tại buổi Giao lưu trực tuyến: "Vì cuộc sống bình yên của Nhân dân" do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức sáng 4/9, nhiều vấn đề người dân quan tâm đã được đại diện các phòng, ban, đơn vị của Công an TP Hà Nội (CAHN) trả lời, làm rõ.
“Nóng” vấn đề về tội phạm hình sự
Hoạt động của các băng nhóm tội phạm, đặc biệt là những đối tượng phạm pháp hình sự luôn diễn biến phức tạp, bởi theo thống kê của CAHN, mỗi năm, có hàng ngàn vụ việc được khám phá và bắt hàng ngàn đối tượng nhằm đảm bảo ANTT của Thủ đô. Liên quan đến vấn đề này, bạn đọc Nguyễn Văn Đông (ở quận Hoàn Kiếm) đặt câu hỏi: "Hiện nay, tội phạm hình sự diễn biến phức tạp, manh động. Ông cho biết, lực lượng cảnh sát hình sự (CSHS) đã làm được những gì trong thời gian qua?".
Thượng tá Đỗ Xuân Tiến - Phó Trưởng phòng CSHS cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, lực lượng CSHS đã đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. 6 tháng đầu năm 2014, CAHN đã điều tra, khám phá 1.801 vụ phạm pháp hình sự, bắt 2.693 đối tượng, trong đó có nhiều đối tượng đặc biệt nguy hiểm, khám phá 87 vụ trọng án. Triệt phá 616 ổ nhóm lưu manh chuyên nghiệp, bắt giữ 1.795 đối tượng. Nhìn chung, tình hình ANTT trên địa bàn TP được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, trật tự ATGT, trật tự đô thị có chuyển biến tích cực, được các cấp lãnh đạo và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao…Rất nhiều độc giả quan tâm, bày tỏ sự tin tưởng về việc đấu tranh, ngăn chặn và phòng chống tội phạm của lực lượng 141. Đặc biệt, qua công tác triển khai xử lý vi phạm giao thông và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của các băng nhóm tội phạm. Thượng tá Đỗ Xuân Tiến chia sẻ: "Lực lượng 141 không phải riêng người dân Thủ đô mà cả nước đều biết, từ 5 tổ, nay đã có 15 tổ công tác được trải ra các địa bàn tại Thủ đô. Lực lượng 141 tập trung kiểm tra, xử lý các đối tượng điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng, chở người sai quy định… mang theo vũ khí khi tham gia giao thông. Trong 3 năm, các tổ công tác 141 đã hoạt động tích cực, đạt được nhiều thành tích, được các cấp chính quyền và Nhân dân ghi nhận, trở thành "quả đấm thép" trong công tác đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm. Đặc biệt, tình trạng các đối tượng lưu manh, côn đồ hoạt động công khai, ngang nhiên coi thường pháp luật đã được đẩy lùi".
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến sáng 4/9.
|
Độc giả Hương Lan (ở quận Hai Bà Trưng) đặt câu hỏi: "Tội phạm móc túi tại các bến xe, đặc biệt là xe buýt hoạt động rầm rộ khiến người dân bức xúc nhưng vì sao vẫn chưa được giải quyết triệt để?". Trung tá Lê Kim Đồng cho hay, hiện nay, tại các khu vực công cộng, lực lượng 142 luôn túc trực. Phòng CSHS đã tham mưu và phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành lập và duy trì hoạt động của 30 tổ công tác phòng chống tội phạm cướp - cướp giật tài sản, thường xuyên tổ chức tuần tra mật phục trên các tuyến, địa bàn trọng điểm để phát hiện, xử lý các đối tượng hoạt động phạm tội. Đối với các đối tượng trên, chủ trương làm tốt công tác phòng ngừa, nên đến nay, tình hình tội phạm đường phố đã cơ bản giảm. Trung tá Lê Kim Đồng cũng khuyến cáo: "Học sinh, sinh viên sử dụng phương tiện hành khách vận tải công cộng cần bảo quản tài sản của mình như ví tiền, điện thoại, và luôn cảnh giác với các đối tượng đội mũ lưỡi trai, cúi mặt xuống nhòm ngó tài sản của hành khách, có thể quay lại đi một tuyến, lên xuống 4 - 5 lượt".
Tội phạm mua, bán người ngày càng xảo quyệt
Độc giả Dương Huỳnh (quận Ba Đình, Hà Nội) đặt câu hỏi: "Tội phạm trẻ tuổi đang có chiều hướng gia tăng, với cương vị là cán bộ điều tra, các anh có thể giải thích vì sao có hiện tượng đó?". Thiếu tá Vũ Văn Tấn - Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an quận Hoàng Mai nói: "Đúng là trong thời gian gần đây tội phạm đang có xu hướng trẻ hóa, với loại tội phạm này cơ quan công an bao giờ cũng đặt yếu tố phòng ngừa lên trên và giáo dục là cao nhất"; đồng thời cho rằng, với loại tội phạm vị thành niên, yếu tố phối hợp giữa cơ quan pháp luật với nhà trường, gia đình là quan trọng nhất, trong đó gia đình phải giữ vai trò chủ đạo.
Đại úy Phạm Hồng Quân - Đội phó Đội chống tội phạm mua bán người (MBN) đã trả lời nhiều câu hỏi do người dân gửi tới liên quan đến hoạt động MBN. Đại úy Phạm Hồng Quân cho biết: Tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em phức tạp, đặc thù xuyên quốc gia, trên thế giới, hàng năm có hàng triệu người bị buôn bán. Cùng với ma túy và vũ khí, nạn nhân MBN đã trở thành một loại hàng hóa đem lại lợi nhuận cao. Tội phạm MBN hình thành nhiều đường dây, băng ổ nhóm sử dụng công nghệ cao, internet, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Do chúng đã có sự liên kết chặt chẽ với các tổ chức tội phạm trong và ngoài nước… nên hoạt động rất tinh vi, xảo quyệt. Năm 2013, toàn quốc phát hiện 507 vụ, 607 đối tượng. Riêng CAHN điều tra khám phá 12 vụ, bắt 31 đối tượng, giảm 4 vụ so với 2012. Trong đó có 11 vụ MBN vì mục đích mại dâm, 2 vụ xảy ra ở tỉnh ngoài, 10 vụ ở Hà Nội. 9 tháng đầu năm, điều tra khám phá 9 vụ, bắt 17 đối tượng (trong đó có 1 vụ mua bán trẻ em, 8 vụ MBN) giải cứu 9 nạn nhân.
Bà Vũ Hà Linh (ở Ân Thi, Hưng Yên) nêu vấn đề: "Hiện nay, nhiều đối tượng lợi dụng việc kết hôn với người nước ngoài, hay cho nhận con nuôi để làm bình phong cho hành vi buôn bán phụ nữ, trẻ sơ sinh hay thậm chí buôn bán nội tạng người. Cơ quan chức năng có những biện pháp gì để phát hiện sớm các thủ đoạn này để có biện pháp ngăn chặn kịp thời? Giải đáp thắc mắc này, Đại úy Phạm Hồng Quân cho biết, Nhà nước ta đã có Luật Phòng chống MBN và các quy định dưới luật để phát huy sức mạnh toàn dân trong đấu tranh phòng ngừa và trừng trị tội phạm MBN. Đối với CAHN có các biện pháp như: phối hợp với các ban, ngành, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đối với người dân; phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động MBN với nhiều hình thức, nội dung, phong phú, đa dạng như lồng ghép với các buổi họp của thôn, tổ dân phố, nhà trường, nói chuyện chuyên đề học sinh, sinh viên…
Thời gian tới, lực lượng CSHS tăng cường các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, nhất là công tác điều tra cơ bản, đảm bảo nắm chắc mọi biểu hiện hoạt động của tội phạm MBN tại các tuyến, địa bàn trọng điểm đã xác định. Trên cơ sở đó, rà soát, phân loại các đối tượng có biểu hiện hoạt động MBN để có biện pháp chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả…
Tình trạng tội phạm hoạt động tại nơi công cộng được nhiều người dân, học sinh, sinh viên rất quan tâm. Về vấn đề này, Trung tá Lê Kim Đồng - Đội trưởng Đội chống tội phạm trên tuyến và địa bàn cho biết: Trước tình hình tội phạm hoạt động trên các tuyến xe buýt trên toàn TP, Giám đốc CAHN đã ban hành Kế hoạch số 142 (20/10/2011), sau đó là Kế hoạch số 79 (3/4/2014), thành lập 15 tổ công tác làm việc tại các bến xe, bệnh viện, lễ hội, vui chơi, giải trí, điểm trung chuyển xe buýt, nhà chờ... |