Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, khoảng tối mai (27/10), bão số 8 sẽ tiến sát khu vực bờ biển tỉnh Nghệ An. Đến chiều nay (26/10) vẫn chưa thể xác định chính xác địa điểm đổ bộ của bão. Ông Tăng đưa ra hai phương án. Thứ nhất, nếu bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc thì khả năng đêm mai sẽ đổ bộ vào khu vực Quảng Bình và Nam Hà Tĩnh. Thứ hai, trong tình huống đi chậm hơn, khoảng sáng 28/10, bão sẽ cập bờ vào khu vực Nghệ An.
Đường đi và vị trí của cơn bão.Nguồn ảnh:nchmf.gov.vn
Theo dự báo, bắt đầu từ chiều tối mai, các tỉnh ven biển từ Nghệ An tới Quảng Bình sẽ có mưa, sau đó giảm dần. Tới ngày 30/10 khi có không khí lạnh tràn xuống, mưa sẽ quay trở lại. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có mưa rất to, khoảng 300 - 400mm, nơi nhiều nhất lên tới 500 - 600mm. Khu vực Bắc bộ cũng có mưa trên diện rộng.
Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư nhận định, đây là cơn bão gần bờ mạnh nhất và có tốc độ di chuyển nhanh nhất từ đầu năm đến nay. Điều đáng lo ngại là bão không đổ bộ vuông góc mà quét dọc theo các tỉnh ven biển nên diện ảnh hưởng của bão lớn.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban Chỉ đạo PCLB các bộ, ngành, địa phương trong vùng được xác định sẽ ảnh hưởng do bão số 8 phải duy trì trực thường xuyên cho đến khi bão tan. Trong đó, tổ chức báo động sớm, kêu gọi tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn và kiên quyết kiểm tra, rà soát từng khu dân cư, không để tình trạng người dân còn trên các thuyền, bè. Đồng thời tổ chức, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa và chuẩn bị phương án PCLB theo phương châm 4 tại chỗ.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải bố trí lực lượng trực trên các tuyến đường, nhanh chóng khắc phục sự cố do mưa bão gây ra; Bộ Công an tổ chức trực chốt ở những cống, ngầm, kịp thời cảnh báo cho người dân; Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo tiêu nước đệm, chống úng cho cây trồng vụ Đông...
Tính đến chiều qua (25/10), Bộ đội biên phòng và Ban Chỉ huy PCLB các địa phương đã thông báo và hướng dẫn cho 38.054 tàu thuyền với 192.360 người đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Trong đó, khu vực quần đảo Hoàng Sa có 3 tàu với 39 người; khu vực quần đảo Trường Sa có 416 tàu với 5.993 người; các khu vực khác và neo đậu tại bến 37.628 tàu với 186.226 người.