Việc thiết lập kiểm tra ngay đầu năm mới, một lần nữa chính quyền TP Hà Nội cho thấy rõ sự quyết tâm trong việc xử lý “vấn nạn” lãng phí nguồn lực đất đai từ những dự án chậm triển khai.
Kết quả giám sát của HĐND TP Hà Nội mới đây, đối với các dự án đầu tư trên địa bàn, giai đoạn 2012 – 2017, có tới 293/383 dự án chậm triển khai mà HĐND TP kiến nghị từ năm 2018 nhưng vẫn chưa xử lý triệt để. Đáng quan ngại, khi tồn tại cũ chưa thể giải quyết lại thêm 45 dự án bị liệt vào diện chậm triển khai ( đầu năm 2021).
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn TP có tới 379 chậm triển khai, trong đó 30 dự án kiến nghị thu hồi nhưng mới thu hồi được 10; 66 dự án chậm thực hiện thủ tục đầu tư theo quyết định đã phê duyệt, những dự án còn lại đã giao đất nhưng chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.
Câu chuyện quản lý đất đai, xử lý dự án chậm triển khai (gọi tắt là dự án "treo") mặc dù được lãnh đạo TP Hà Nội coi trọng, chỉ đạo sát sao, được Nhân dân và cử tri Thủ đô quan tâm; HĐND TP đã ban hành cả Nghị quyết đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như biện pháp xử lý nghiêm đối với từng trường hợp vi phạm như cảnh báo công bố công khai, thu hồi, không giao dự án mới…, nhưng rồi “đâu vẫn vào đấy”.
Không phủ nhận việc rất nhiều chủ đầu tư vì lợi ích cá nhân mà “bỏ quên” trách nhiệm với cộng đồng, khi “ôm” đất để đấy chờ tăng giá hoặc dùng chiêu trò “thổi” giá rồi phân lô bán nền hay chuyển nhượng sang tay cho chủ đầu tư khác để ăn chênh lệch, không khai thác giá trị thặng dư từ đất đai mà chỉ là món hàng trao tay; hay tình trạng đùn đẩy, trốn trách trách nhiệm của cán bộ, công chức, người thực thi công vụ ở các địa phương, rồi tâm lý “sợ sai” không dám làm ở người đứng đầu chính quyền cơ sở... khiến cho tình trạng lãng phí nguồn lực từ những dự án bỏ hoang, chậm triển khai ngày càng trở nên trầm trọng.
Nhưng cũng phải nhìn nhận một cách khách quan, xảy ra tình trạng trên là do sự thiếu đồng bộ giữa Luật Đất đai với các luật liên quan như: Luật Đấu thầu; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Đầu tư; Luật Xây dựng… đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư. Như vậy, gốc rễ của vấn đề là cần giải pháp từ thể chế, các bộ, ngành chuyên môn cần sớm hoàn thiện những nội dung này làm căn cứ triển khai thực hiện.
Mặc dù vậy, với việc tiếp tục thành lập liên ngành kiểm tra dự án treo, cho thấy quyết tâm của Hà Nội trong việc muốn giải quyết dứt điểm các dự án “treo”, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trước đó, Thành ủy Hà Nội cũng ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn. Mong rằng, sau đợt kiểm tra lần này, TP sẽ có những giải pháp hiệu quả, xử lý dứt điểm tình trạng dự án “treo” gây lãng phí đất đai trong nhiều năm qua.