Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rà soát tất cả các các dự án xả thải có nguy cơ gây ô nhiễm

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát tất cả các dự án lớn và các dự án xả thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát tất cả các dự án lớn và các dự án xả thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ khâu đánh giá tác động môi trường, chuẩn bị đầu tư, hoàn thành công trình trước khi đi vào hoạt động và khi công trình đang hoạt động để phân loại, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm nhất là các nguồn thải ra sông, ra biển.
Có kế hoạch trang bị, đầu tư hệ thống quan trắc môi trường thường xuyên, liên tục ở tất cả các điểm xả thải chất thải độc hại, các điểm xả thải chất thải có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, có kết nối mạng với tất cả các địa phương phục vụ công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Đây là nội dung tại Thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cũng tại Thông báo này, Phó Thủ tướng yêu cầu  Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của ngành tài nguyên và môi trường, trong đó phải xử lý, khắc phục được những vấn đề chồng chéo, giao thoa và lấp đầy những khoảng trống pháp luật bảo đảm tăng cường sự kiểm soát của Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, loại bỏ rào cản, tháo gỡ khó khăn, bảo đảm môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn lực tài nguyên. 

Nâng cao năng lực phân tích, dự báo trên cơ sở đó rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đảm bảo tính liên kết, liên vùng, đồng bộ, gắn với bảo vệ môi trường, tích hợp với vấn đề biến đổi khí hậu và gắn với việc tái cấu trúc lại các ngành, lĩnh vực kinh tế và sản phẩm kinh tế để phát huy được nguồn lực tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, dịch vụ gây ô nhiễm

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành các cơ chế chính sách sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước. Tăng cường công tác điều tra cơ bản, lập và triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch tài nguyên nước của cả nước, các lưu vực sông phải bảo đảm đủ nước để phát triển kinh tế, ổn định đời sống của người dân vùng hạ lưu, bảo đảm duy trì hệ sinh thái của dòng sông, tránh việc chuyển nước từ dòng sông này sang dòng sông khác gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất của người dân ở vùng hạ lưu. 

Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, dịch vụ gây ô nhiễm, xả nước thải vào nguồn nước, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường. Đối với sự cố môi trường biển ở miền Trung, đi đôi với việc kiểm soát hoạt động xả thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh trong thời gian tới, Bộ cần phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương sớm đánh giá chính xác về môi trường biển ở khu vực biển miền Trung và công bố an toàn môi trường biển cho người dân, doanh nghiệp biết để sớm ổn định sản xuất, kinh doanh, đánh bắt hải sản. 

Tăng cường điều tra, đánh giá triển vọng khoáng sản phục vụ thăm dò, khai thác, chế biến và dự trữ khoáng sản quốc gia. Tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản; kiểm soát có hiệu quả sản lượng khai thác; hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường.