Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rắc rối khi mua hàng trả góp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở nhiều nước trên thế giới, "mua hàng trả góp" là hình thức mua sắm được nhiều người lựa chọn. Tại Việt Nam, dù xuất hiện chưa lâu nhưng cũng thu hút khá nhiều người tham gia.

Tuy nhiên, hình thức mua hàng trả góp đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề.Giữa thời buổi kinh tế khó khăn, không phải ai cũng có đủ một khoản tiền lớn để mua những vật dụng có giá trị. Nắm được nhu cầu này, hàng loạt công ty tài chính cho vay tiêu dùng cá nhân liên kết với đơn vị bán hàng tung ra nhiều chương trình mua hàng trả góp hết sức hấp dẫn. Các sản phẩm bán trả góp rất đa dạng, từ hàng điện tử, điện máy, xe máy, ô tô đến gia dụng, nội thất, trang sức, thậm chí cả các sản phẩm dịch vụ như du lịch, giải trí.

 

Cách cho vay tại điểm bán hiện nay chủ yếu thực hiện bằng hình thức tín chấp, thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Chỉ cần có chứng minh nhân dân, hộ khẩu, bằng lái xe là người tiêu dùng có thể được xét cho vay trả góp. Phương thức thanh toán cũng đa dạng. Một số cửa hàng tính lãi theo quy định của ngân hàng mà họ hợp tác, thậm chí, có nơi còn áp dụng chương trình trả góp với lãi suất 0%.

 

Dịch vụ mua hàng trả góp thoạt nghe khá hấp dẫn, nhưng không phải lúc nào người tiêu dùng cũng được hưởng lợi, đặc biệt là vấn đề lãi suất.

 

Chị Huệ ở Cầu Giấy kể: "Vợ chồng tôi mua tủ lạnh Sharp 194L theo hình thức trả góp với giá 5.990.000 đồng tại một cửa hàng điện máy. Vài hôm sau mới biết chiếc tủ lạnh đó giá chỉ 4.590.000 đồng”. Trường hợp không tìm hiểu trước nên đã bị mua hàng trả góp với giá đắt như chị Huệ không phải là ít. Tại một số cửa hàng bán xe máy trả góp, giá thực của một chiếc xe máy thương hiệu Honda chỉ 18 triệu đồng nhưng khi mua trả góp, chủ cửa hàng nâng lên 22 triệu đồng, yêu cầu thanh toán trong vòng 6 tháng. Ban đầu người mua phải trả trước 10%, tức 2,2 triệu đồng, số tiền còn lại mỗi tháng sẽ trả 3,3 triệu đồng. Nếu sau 6 tháng khách hàng không trả hết số tiền còn lại sẽ bị tính thêm lãi suất.

 

Một chuyên gia trong ngành tài chính cho rằng, mua hàng trả góp thực chất là một loại hình cho vay tín chấp, người mua có thể trả tiền theo mức thu nhập hàng tháng. Tuy nhiên, khi mua trả góp thường người mua phải chịu lãi suất cao mỗi tháng. Ngay cả  với những chương trình cho vay mua hàng lãi suất 0%, khách phải đóng thêm mức phí chuyển đổi trả góp tổng giá trị sản phẩm. Một số nơi còn bán sản phẩm trả góp cao hơn so với nơi khác, chưa kể, điều khoản trong hợp đồng cũng có nhiều bất lợi cho khách như trả nợ chậm khả năng sản phẩm bị thu hồi, còn trả sớm thì bị phạt…

 

Rõ ràng, dù lãi suất và phương thức trả góp như thế nào thì cuối cùng, khách hàng vẫn là người chịu thua thiệt khi phải chi một khoản tiền lớn hơn giá trị thực của sản phẩm trả góp nhiều lần.