Rào cản trong kiểm tra chuyên ngành: Giảm sức cạnh tranh hàng Việt

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Quy định chồng chéo, đã có một số cải cách nhưng lại mọc thêm rào cản khác. Nhìn đâu cũng thấy chi phí, rủi ro” - đó là những ý kiến được các DN chia sẻ tại hội thảo “Thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành (QL, KTCN): Vấn đề và kiến nghị”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) phối hợp với Dự án GIZ tổ chức sáng 16/9.

Quy định chồng chéo
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho biết, nhiều DN phản ánh những vướng mắc trong quy định đăng ký sử dụng mã số, mã vạch (MSMV) nước ngoài trên bao bì các lô thủy sản xuất khẩu (XK). Cụ thể, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ bổ sung quy định: Với tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam sử dụng mã nước ngoài theo chuẩn của tổ chức MSMV quốc tế GS1 thì phải được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, hoặc được chủ sở hữu của mã nước ngoài ủy quyền sử dụng.
 Làm thủ tục tại Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Ảnh: Phạm Hậu
Trong đó phải có thời hạn ủy quyền và hồ sơ chứng minh MSMV của khách được cơ quan thẩm quyền của nước họ chứng nhận kèm theo bảng dịch thuật tiếng Việt. “Để có được đầy đủ các giấy tờ, nhiều khi DN phải mất 20 - 30 ngày mới xuất được lô hàng. Trong thời gian này, DN vẫn phải trả lãi suất vay ngân hàng và chi phí kho bãi, trong khi có rất nhiều đơn hàng đòi hỏi cần hoàn tất trong thời gian chưa đến một tuần”.
Phó Tổng Thư ký VASEP cho rằng, những quy định này là đơn phương của Việt Nam, trong khi các nước nhập khẩu và thế giới không yêu cầu. Quy định cũng không góp phần làm tăng chất lượng hàng hóa mà chỉ làm khó cho DN.
Trong khi đó, “việc đưa vấn đề MSMV vào NĐ74/2018/NĐ-CP là không có cơ sở pháp lý. Bởi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 và Nghị định 132/2008/NĐ-CP hoàn toàn không đề cập và không có bất kỳ quy định nào liên quan đến MSMV; Nghị định số 43/2017/ NĐ-CP ngày 14/4/2017 về ghi nhãn hàng hóa cũng không có bất cứ yêu cầu nào về MSMV đối với hàng XK… Rõ ràng, đây là sự cản trở cho hàng hóa XK của Việt Nam” - ông Nam nói.
Đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cũng nêu lên những bất cập trong quy định về MSMV tại Nghị định số 74/2018/ NĐ-CP và có kiến nghị đối với Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa và Dự thảo thông tư nghi nhãn điện tử.
Đại diện Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) thì cho rằng, nên bỏ để bớt gánh nặng cho DN. Như kiểm định an toàn lao động thang máy lại quy định kiểm định khi đang rời rạc là một sự phi lý, không phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Thúc đẩy tự do kinh doanh
Liên tục trong 4 Nghị quyết (NQ) số 19/NQ-CP (2015-2018), 2 NQ số 02/NQ-CP (2019-2020) và nhiều NQ của Chính phủ nhấn mạnh tới yêu cầu cải cách QL, KTCN đối với hàng hóa XNK. Đến nay, một số mặt hàng phải thực hiện QL, KTCN đã giảm từ khoảng 100.000 mặt hàng (2015) xuống còn 78.000 (hiện nay). Tỷ lệ các lô hàng XNK phải KTCN tại giai đoạn thông quan khoảng 19,4%. “Như vậy không đạt mục tiêu đặt ra của Chính phủ là phải dưới 10%” - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM Nguyễn Minh Thảo điểm lại.
Bà Thảo cho biết, CIEM đã nghiên cứu và phát hiện 12 nhóm bất cập. Sự bất cập này đã nêu rất nhiều lần nhưng sự chuyển biến rất chậm, dẫn tới nhiều rủi ro cho DN (chi phí lưu kho bãi, phạt hành chính do chậm thông quan, lỡ cơ hội kinh doanh của DN); chưa cắt giảm chi phí theo đúng chỉ đạo của TTg về “cắt giảm chi phí cho DN”. Ví dụ như phí kiểm dịch thú y; vấn đề lấy mẫu kiểm nghiệm; chi phí kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu, kiểm tra chất lượng; phí kiểm tra chất lượng chăn nuôi.
Nói về sự chồng chéo, bà Thảo dẫn chứng, hiện có khoảng 25 nhóm sản phẩm, hàng hóa tương đương với 1.012 dòng hàng tính theo mã số HS ở cấp độ 8 chữ số và tương ứng với 1.501 mặt hàng được chi tiết theo tên hàng cụ thể còn chồng chéo trong thực hiện thủ tục QL, KTCN. Bên cạnh đó, quy định về kiểm tra hiệu suất năng lượng tạo thêm nhiều gánh nặng chi phí và thời gian bất hợp lý cho DN. "Đây là vấn đề được phản ánh nhiều lần nhưng chưa được bộ, ngành nào quan tâm” - bà Thảo nhấn mạnh.
Theo nguyên Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, những rào cản về thủ tục sẽ khiến môi trường kinh doanh tại Việt Nam đi lùi lại nhiều năm dưới con mắt của DN nước ngoài. “12 năm nay ta vẫn loay hoay xóa bỏ rào cản, trong khi thế giới xây dựng thúc đẩy sự sáng tạo phát triển DN. Phải có quan niệm xây dựng Nhà nước và các chủ thể; Chuyển sang một nền kinh tế thị trường đầy đủ; Tự do kinh doanh trên nhiều khía cạnh. Nếu nội hàm như vậy sẽ loại bỏ ngay rào cản”- ông Cung chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần