Khác biệt từ nguồn vốn
Bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến vấn đề xây dựng công trình để đảm bảo người khuyết tật tiếp cận, sử dụng đã được ban hành hơn 10 năm. Nhiều công trình xây mới, cải tạo đã đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận như Trung tâm liên hợp thể thao Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cầu lên thuyền tham quan Vịnh Hạ Long… Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, qua kết quả điều tra trên cả nước, việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn mới được thực hiện tập trung ở một số đô thị lớn, mức độ tiếp cận tiện ích đối với người khuyết tật chỉ ở mức tối thiểu. Các công trình dịch vụ xã hội có tỷ lệ đảm bảo khả năng tiếp cận của người khuyết tật cao nhất là công trình y tế (22,6%), công trình giáo dục (20,8%). Tiếp đến là các công trình triển lãm, trung tâm hội nghị, trụ sở cơ quan. Không hiểu vì lý do gì, các công trình như chợ, nhà thi đấu, bưu điện, nhà ga, nhà dưỡng lão… lại có tỷ lệ thấp. Công trình có tỷ lệ tiếp cận thấp nhất là ngân hàng (1,9%). Có những công trình có thiết kế tiếp cận nhưng chưa hòa nhập, người khuyết tật tìm được lối đi cho mình rất khó vì vị trí ở những nơi khuất, không có biển báo. Một số nơi đường dốc vào công trình hoặc lên vỉa hè lớn hơn 120 nên người đi xe lăn không tự điều khiển được.
Biển báo nhường đường cho người khuyết tật trên phố Trúc Khê.Ảnh: Linh Anh.
Ông Trần Hữu Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, những công trình tuân thủ bộ quy chuẩn về cơ bản là các công trình được xây dựng bằng nguồn ngân sách Nhà nước hoặc các công trình được đầu tư từ vốn đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân quan trọng là do nhận thức của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế, xây dựng công trình chưa cao, có tâm lý e ngại đội giá thành. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp chưa chỉ đạo triệt để, thiếu sát sao với các cơ quan chuyên môn khi thẩm định, cấp phép dự án.
Thay đổi từ "quản" công trình
Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật và giám định chất lượng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, bên cạnh công tác kiểm tra, tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở, thẩm định dự án đầu tư, nghiệm thu công trình liên quan đến đảm bảo việc tiếp cận cho người khuyết tật, Sở đã tổ chức các buổi tâp huấn về vấn đề này nhưng các cán bộ đến dự thường không phải là những người có trách nhiệm cao nên sự truyền tải, đưa vào thực tế chưa thật sự có hiệu quả. Mặt khác, từ trước đến nay khi nhắc đến vấn đề đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật mọi người thường nhắc đến chung cư, công trình công cộng nhưng lại quên rằng công trình công cộng bao gồm cả các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình giao thông.
Ông Huy đánh giá, trong thời gian tới công tác quản lý việc thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng sẽ có những thay đổi đáng kể. Theo quy định tại Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình, Sở Xây dựng các địa phương có trách nhiệm thẩm tra thiết kế cơ sở của tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn, không phân biệt nguồn vốn. Trước đây, do cơ quan quản lý chuyên ngành chỉ có thể thẩm tra các công trình sử dụng vốn ngân sách, còn các công trình sử dụng nguồn vốn khác hoàn toàn do chủ đầu tư quyết định và chịu trách nhiệm, bởi vậy nhiều công trình đã bỏ sót, không quan tâm đến việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho người khuyết tật tiếp cận công trình.
Theo Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2012 - 2015, ít nhất 50% công trình là trụ sở làm việc của các cơ quan Nhà nước, nhà ga, bến xe, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục dạy nghề, công trình văn hóa thể thao, nhà chung cư, phải đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. Đến năm 2020, tỷ lệ này là 100%. |