Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rao vặt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Rao vặt… dĩ nhiên rồi. Thời kinh tế thị trường cần phô cái mình muốn bán, cần tỏ thứ mình muốn tuyển, muốn mua… Thế là rao!Hãy khoan nói chuyện mạng, nơi đầy ắp các trang, tỉ như: Muaban.com nhìn hoa cả mắt. Hãy tạm quên nạn rác rao vặt trắng xóa trên các bờ tường, cột điện, gốc cây.

Sáng sáng cầm tờ nhật báo nặng trĩu trên tay vừa nhâm nhi cà phê vừa giở. Ôi chao, lắm khi số trang quảng cáo nhiều gấp ba, bốn lần các trang chính. Thiên hạ rao gì? Đủ cả, thượng vàng hạ cám…Rồi những tiếng rao theo bước chân nhọc nhằn người bán dạo.

Đêm  tĩnh mịch, một tiếng rao: "Tào…ph…ớ…ớ…" dài dằng dặc vang lên. Chưa biết ngon dở thế nào, nhưng lời rao đã làm mềm cái bao tử. Thế là người mua gọi, người bán sấp sải tắp vô.Sài Gòn xưa còn có những tiếng rao buồn thườn thượt.

Hình ảnh một ông tàu già, quảy hai chiếc thùng gỗ, một mình một bóng lủi thủi đi trong đêm khuya canh vắng, thi thoảng lại cất lên một tiếng rao thật tượng hình: "Phàn xôi phá xán…" (đậu phộng rang), hay: "Chí mà… ph…ủ…ủ…" (chè mè đen)… Món ăn rất đơn giản, song chính lời rao, giọng rao đã thổi hồn cho nó… Người phu quét đường dựng chổi, uể oải ngồi xuống vỉa hè nhẩn nha ăn một chén mè đen, như gậm nhấm chính nỗi buồn thân phận.

Một tiếng rao khác cũng nao lòng không kém giữa đêm trường: "Ai… chè thưng đường cát nước dừa… h…ô…ô…ng!". Người phương Nam, ưa dùng từ hông thay vì không, cũng như họ thường nói: "Anh có thương tui hông?" hoặc: "Em có ưng tui hông!" vậy mà.

Đường phố Sài Gòn xưa điện đóm tù mù, khiến bóng đêm thường sâu hun hút. Nên chỉ cần một tiếng rao cũng đủ ấm lòng bao lữ khách đơn côi.  "Ai… hột vịt lộn… đ…ơ…i…!", xa xa bóng một phụ nữ mảnh mai cùng đôi quang gánh, leo lét ngọn đèn dầu như ánh mắt canh khuya.

Giọng rao, người rao sẽ là bạn đồng hành cùng lữ khách.Sài Gòn xưa và nay đã khác đi nhiều lắm, nhưng vẫn còn đó biết bao người buôn thúng bán bưng, vẫn mãi còn đó những tiếng rao: Rao mua, rao bán..Nếu như tiếng rao khuya làm ta bồi hồi xúc cảm, thì tiếng rao ban ngày lại thấy vui vui. "Đồng hồ cũ… là mua; quần áo cũ…là mua; sách báo cũ… là mua; nồi cơm điện…tăng phô điện… là mua…". Một phụ nữ đạp xe rao khắp xóm, tính ra cả chục món…"là mua". Tôi chợt nghĩ thầm làm sao chị có thể chở hết bao nhiêu thứ…"là mua" ấy?.

Người phụ nữ vừa đi khỏi, thì xe gắn máy của một thanh niên trờ tới. chiếc loa phóng thanh cột trên xe oang oang: "Máy giặt, ti vi, tủ lạnh, vi tính cũ… bán hông. Cứ như thế "là mua" này vừa khuất thì "bán hông" kia xuất hiện. Âu cũng là một nét chấm phá khá thú vị trong bức tranh đô thị thời nay. 

Trưa đang thiu thiu ngủ chợt ngoài ngõ vang lên một giọng…téno cao vút: "Ai…mài d…a…o, mài… k…é…é…o!". Giật cả mình, cũng may lấy được vợ hiền, chứ phải vợ dữ chắc phải rước lão này tới giáo huấn…bả!!!.- Ve chai…nào…- Bò f…i…á…á…Tiếng rao hàng đất Sài Gòn đủ giọng đủ mùi, có khi nghe được, có khi lơ lớ, có khi meo méo.

Họ rao xong đi xa rồi, mà nhiều lúc ngồi nghĩ mãi cũng không hiểu họ định mua hay bán cái chi chi.

Có những tiếng rao giọng ở tầng thấp rè rè như có nhựa, có những tiếng rao giọng ở cung "si" cao ngất nghe muốn đứt hơi.

Cũng có tiếng rao trong một "phách" mà vừa cực bổng lại vừa cực trầm. Một ông bán chổi có giọng rao thật lạ, thật ấn tượng:- Chổi lống g…à…à…à…!Ở chữ "lông" ông ta đẩy tông cao lên thành "lống", ngay sau đó hạ xuống thấp tè ở chữ 'gà" cực trầm. Lạ thật, làm sao có thể đột ngột chuyển tông giữa hai nốt nhạc?

Cũng có những tiếng rao mang nỗi buồn viễn xứ: Tiếng lóc xóc của người tầm quất lúc nửa đêm về sáng nghe như một tiếng thở dài!Thi thoảng, có đi đâu rời thành phố ít ngày, bất chợt thấy nhơ nhớ một thứ gì… Tiếng rao, giọng rao, điệu rao lâu dần nó đã thấm sâu trong hồn người phố thị.