Rất cần sự động viên thích đáng

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 4/8, nhữnng thành viên cuối cùng của Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020 đã về nước.

Trước đó, tối 30/7, một số thành viên trong đoàn đã nhập cảnh ở sân bay quốc tế Nội Bài, chính thức trở về Việt Nam sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Nhật Bản. Các thành viên của đoàn sẽ cách ly y tế ở một khách sạn tại Hà Nội sau đó mới được trở về nhà. Trước khi lên máy bay trở về Việt Nam, mọi người đều được xét nghiệm Covid-19.
Đáng nói là cả 2 chuyến trở về của các vận động viên tại sân bay Nội Bài đều không thấy nói đến có hay không sự hiện diện của vị đại diện lãnh đạo của ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Nhớ lại ngày đoàn lên đường. Không kể buổi lễ xuất quân trang trọng, với sự hiện diện và căn dặn của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, ngày đoàn lên máy bay sang Tokyo cũng có sự hiện diện của lãnh đạo ngành với rất nhiều cái bắt tay và bó hoa tươi thắm. Đúng là trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp, việc nghênh đón các vận động viên khi thi đấu ở Olympic trở về cần gọn nhẹ, tránh tập trung đông người. Nhưng nếu có một lễ đón đoàn gọn nhẹ, thân tình thì sẽ ấm áp và ý nghĩa biết bao nhiêu. Đặc biệt, khi những vận động viên của ta thi đấu không như mong đợi, không có huy chương, thậm chí có người còn thi đấu thành tích không như trước thì sự động viên, an ủi, khích lệ kịp thời lại càng đáng quý.

Lại nhớ đến một màn cầu hôn đầy ấn tượng ở Olympic Tokyo 2020. Ngay sau trận thua Anton Marton của Hungary hôm 26/7, nữ kiếm thủ Maria Belen Perez Maurice của Argentina đã tỏ ra khá tiếc nuối vì trận thua này khi trả lời phỏng vấn. Tuy nhiên nỗi buồn qua đi rất nhanh khi cô đọc được mảnh giấy được viết bởi Saucedo, HLV cũng là bạn trai của cô. Mảnh giấy đó chính là lời cầu hôn mà vị HLV 51 tuổi này dành cho học trò. Saucedo chia sẻ với USA Today rằng thực ra anh đã có kế hoạch cầu hôn nhưng chỉ thực hiện nó nếu Maurice thua, còn nếu thắng, bạn trai Maurice sẽ đợi đến trận đấu sau.

Chẳng cần phân tích nhiều cũng thấy được ý nghĩa của màn cầu hôn đó có tác dụng vực dậy tinh thần của nữ kiếm thủ sau khi thi đấu thất bại đến như thế nào.

Mọi so sánh đều là khập khiễng. Cũng có thể có người sẽ nói rằng, đưa câu chuyện này ra trong lúc cả nước đang gồng mình chống dịch là không phù hợp. Tuy nhiên chúng ta luôn xác định thực hiện mục tiêu kép chống dịch song song với phát triển kinh tế - xã hội. Với các vận động viên tham dự Olympic Tokyo 2020, họ đã cố gắng hết sức mình, dù không đạt thành tích như mong đợi. Điển hình như Nguyễn Thùy Linh kết thúc vòng bảng với 2 trận thắng trước các đối thủ xếp cao hơn trên bảng xếp hạng thế giới và chỉ thua 1 trận trước tay vợt số 1 thế giới Tai Tzu-ying.

Dù không giành được huy chương ở đấu trường lớn nhất của thể thao thế giới nhưng các vận động viên của chúng ta cũng đã thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc, những nỗ lực của họ rất đáng được ghi nhận. Và họ còn cả chặng đường trước mắt để rèn luyện, cống hiến cho thể thao đỉnh cao nước nhà, nhất là với các vận động viên trẻ như Nguyễn Thùy Linh, Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Huy Hoàng… Và trên chặng đường dài của đam mê và cống hiến ấy rất cần sự hỗ trợ động viên. Và còn bao vận động viên khác nữa nhìn vào động thái này mà rèn luyện, cống hiến. Tất nhiên không vì thế mà họ mất đi ngọn lửa đam mê, nhưng nó sẽ cháy sáng hơn nếu được sự động viên kịp thời, thích đáng, kể cả trong những khi thất bại.

Chắc chắn sẽ còn nhiều cuộc họp được tổ chức để phân tích, rút kinh nghiệm về chuyến du đấu không như mong muốn của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo. Hy vọng sau khi dịch ổn định, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới cũng sẽ có một buổi lễ trang trọng ghi nhận, động viên một cách thích đáng những cố gắng của các thành viên trong đoàn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần