Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rau xanh đồng loạt tăng giá

Thiên Tú - Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 2 đã làm nhiều diện tích rau xanh ở ngoại thành bị úng, thối, chậm sinh trưởng dẫn tới tình trạng tăng giá mạnh trong mấy ngày qua.

Tăng giá mạnh
Dù mưa đã ngừng được vài ngày và trời đã nắng trở lại, song nhiều ruộng rau ở xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức vẫn còn đọng nước. Một số chân ruộng cao hơn đã thoát hết nước nhưng đất bị chặt lại, lá rau dập nát tơi tả. Bà Nguyễn Thị Sử, thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức buồn bã cho biết, hơn 2 sào rau cải và mồng tơi của gia đình sắp đến ngày thu hoạch đã bị mưa làm hư hỏng phần lớn. Ngoài làm dập nát đối với các loại rau ăn lá, mưa lớn do bão số 2 còn gây úng ngập nhiều ngày gây thối rễ hoặc làm chậm sinh trưởng của cây rau. “Bình thường rau mùng tơi ngày nào cũng được cắt bán, nhưng do mưa kéo dài nên khoảng gần 10 ngày nay, tôi chưa có rau đi chợ” – bà Sử cho hay.

Chọn mua rau xanh tại một cửa hàng tiện ích trên phố Thái Thịnh. Ảnh: Phạm Hùng

Chính vì sinh trưởng chậm, năng suất giảm nên giá rau xanh trong những ngày qua đã tăng đáng kể. Tại các xã Tiền Yên, Song Phương, huyện Hoài Đức, giá rau mùng tơi tăng từ 2.000 – 2.500 đồng/mớ lên 6.000 – 7.000 đồng/mớ, rau cải tăng từ 8.000 đồng/kg lên gần 20.000 đồng/kg, rau muống từ 5.000 đồng/mớ lên 8.000 đồng/mớ… Thậm chí, một số loại rau ăn lá có giá cao ngất ngưởng như rau mùi lên tới 40.000 đồng/kg do hầu như không có rau để bán.
Tại vùng rau xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, khoảng một tuần nay, giá rau xanh cũng tăng từ 25 - 30%. Cụ thể, các loại rau ăn lá như cải ngọt, cải ngồng, cải mơ có giá khoảng 10.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với trước. Các loại rau ăn củ, quả như bầu, bí, mướp cũng tăng giá 30%. Lý giải về nguyên nhân tăng giá, Giám đốc HTX Sản xuất, Kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho biết, mưa bão đã làm dập nát, hư hỏng nhiều diện tích rau của người dân với mức độ thiệt hại từ 30 - 40%. Chính vì thất thu, sản lượng rau thấp nên giá bán tăng cao. “Tuy nhiên, mức giá này có thể chỉ duy trì được thêm một thời gian ngắn nữa, vì rau ăn lá phục hồi khá nhanh” - ông Minh cho biết.
Phục hồi sản xuất
Giá rau tại ruộng tăng đã kéo theo giá rau xanh tại các chợ cũng bị đẩy giá lên cao, có những loại tăng gấp đôi, gấp ba so với thời điểm trước mưa bão. Khảo sát tại chợ Hà Đông cho thấy, giá rau cải ngọt lên tới 30.000 đồng/kg, rau mùng tơi 6.000 đồng/mớ…  Sau khi đi chợ về, chị Nguyễn Thị Duyên, tổ 10, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông phàn nàn: “Giá rau tăng khiến chi phí bữa ăn của gia đình đội lên đáng kể”. Theo các tiểu thương bán rau tại chợ, do ảnh hưởng của mưa bão nên một số loại rau khan hiếm, không thu gom được dẫn tới giá bán rất cao.
Những ngày qua, tranh thủ thời tiết khô ráo, một số hộ trồng rau ở các xã Tiền Yên, Song Phương, An Thượng, huyện Hoài Đức bắt đầu làm đất gieo lứa rau mới. Tuy nhiên, do đang trong mùa mưa bão nên các hộ dân phải làm vòm che nylon để bảo vệ rau mới gieo. Nhiều hộ cho biết, tiến tới phải trồng rau trong nhà màng, nhà lưới mới giúp giảm thiệt hại do mưa bão gây ra. Tại vùng rau Văn Đức, huyện Gia Lâm, HTX Sản xuất, Kinh doanh, Dịch vụ nông nghiệp xã cũng đã hướng dẫn bà con kiểm tra đồng ruộng, làm đất gieo giống rau phục vụ lứa mới như rau cải bắp, cải thảo, su hào, súp lơ…
Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn khuyến cáo, đối với diện tích rau màu bị thiệt hại hoàn toàn do bão số 2, các địa phương nên tạm dừng xuống giống khi thời tiết còn chưa thuận lợi. Đồng thời, chuẩn bị hạt giống rau màu sẵn sàng gieo trồng lại khi thời tiết thuận lợi, nhất là các loại rau ngắn ngày, đảm bảo không để tình trạng khan hiếm rau xảy ra. Với ruộng ngập thời gian ngắn và cây rau còn nhỏ có khả năng phục hồi, bà con cần phun một số loại thuốc phòng trừ nấm hại, chăm sóc bổ sung giúp cây nhanh phục hồi.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, mưa lớn gây ngập úng khiến nhiều loại rau không chỉ ở Hà Nội, mà cả một số tỉnh phía Bắc tăng giá mạnh. Cụ thể, rau ngót cũng tăng 1.000 đồng/mớ lên 6.000 đồng/mớ, bắp cải tăng 3.000 đồng/kg lên 8.000 đồng/kg, cải thảo tăng 5.000 đồng/kg lên 12.000 đồng/kg, mướp đắng tăng 10.000 đồng/kg lên 16.000 đồng/kg…