Hiệp định EVFTA gồm 17 chương, 2 nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: Thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, các vấn đề pháp lý - thể chế...
Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế (tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU) được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Đối với Hiệp định IPA, hai bên cam kết sẽ dành đối xử quốc gia (dựa trên cam kết thương mại, một nước sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp của nước khác những ưu đãi không kém hơn so với ưu đãi mà nước đó đang và sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp của nước mình) và đối xử tối huệ quốc (yêu cầu các nước áp dụng mức thuế quan như nhau đối với tất cả các nước bạn hàng) với đầu tư của nhà đầu tư của bên kia, với một số ngoại lệ, cũng như sự đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, EVFTA là Hiệp định có tính toàn diện cao khi độ phủ các lĩnh vực lớn từ hàng hóa, đầu tư, mua sắm Chính phủ đến phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ... Do đó, EVFTA không chỉ tạo điều kiện để nâng cao kim ngạch hai chiều mà còn giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị mới. "Cùng các FTA khác, như CPTPP, Hiệp định này sẽ cộng hưởng, tạo nên sự phát triển mang tính đột biến, nền tảng để hướng tới phát triển, giúp Việt Nam hoàn thiện khung khổ luật pháp, thể chế" - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định.
Để tận dụng những lợi thế khi tham gia vào EVFTA, theo Tư vấn trưởng Dự án EU-MUTRAP Claudio Dordi, Chính phủ Việt Nam cần cung cấp thông tin rõ ràng cho DN về thời hạn, chi tiết của EVFTA và các hiệp định khác. Đồng thời, xây dựng chiến lược rõ ràng về chỉ dẫn địa lý ở cấp quốc gia và địa phương, từ đó thúc đẩy kiểm soát quản lý chất lượng và xây dựng thương hiệu. Ông Claudio cũng lưu ý, các DN Việt nên tập trung vào quy tắc xuất xứ để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Cùng với đó, đầu tư nghiên cứu các loại hình kênh phân phối ở EU và nâng cao chất lượng, độ an toàn của các sản phẩm quốc gia.