Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rộng đường xuất khẩu lao động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, song số lao động (LĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm ngoái vẫn đạt 105.000 người (vượt 10% so với chỉ tiêu đề ra).

Theo dự báo của giới chuyên môn, con số này sẽ còn cao hơn trong năm 2015, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập và nhiều thị trường mới đã hé mở cánh cửa.

Thị trường truyền thống tăng

Năm ngoái, ngành LĐTB&XH đặt mục tiêu đưa 90.000 LĐ đi làm việc ở nước ngoài. Mặc dù việc tiếp nhận người làm của nhiều thị trường chưa phục hồi sau khủng hoảng kinh tế thế giới; giữa các quốc gia cung ứng lại có sự cạnh tranh gay gắt, nhưng xuất khẩu (XK) LĐ của Việt Nam vẫn vượt kế hoạch đề ra 10% với 105.000 người. Đây cũng là con số kỷ lục từ trước đến nay nhờ số LĐ làm việc ở các thị trường truyền thống tăng mạnh so với năm 2013. Trong đó, số LĐ đi Đài Loan (Trung Quốc) đạt hơn 60.000 người (tăng 14.000 người); Nhật Bản là gần 20.000 LĐ (tăng hơn 10.000 người).

 
Công nhân Việt Nam đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: Duy Anh
Công nhân Việt Nam đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: Duy Anh
Phó Cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) Tống Hải Nam nhận định, năm 2015, XKLĐ ở các thị trường truyền thống sẽ tăng hơn nữa. Bởi lẽ, LĐ Thái Lan đi làm việc tại Đài Loan tiếp tục có xu hướng giảm, thay vào đó là LĐ Việt Nam. Các DN Việt Nam đã và đang đáp ứng tốt việc tuyển chọn, đào tạo và đáp ứng nguồn cung cho thị trường này. Mặt khác, coi Đài Loan là thị trường trọng điểm trong những năm tới, Hiệp hội XKLĐ Việt Nam đã thành lập Ban Thị trường Đài Loan. Ban này có nhiệm vụ thống nhất quy trình cung ứng LĐ Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan về điều kiện hợp đồng, mức chi phí và chủ động tạo nguồn, đáp ứng nhu cầu của thị trường… tạo điều kiện tốt nhất cho người LĐ. Cùng với đó, thay vì chỉ tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam thuộc các ngành cơ khí, điện tử, dệt may như trước đây, Nhật Bản hiện đã tiếp nhận LĐ thuộc hầu hết các ngành nghề từ xây dựng, cơ khí, nông nghiệp, đến chế biến thực phẩm, dệt may... Ngoài ra, để chuẩn bị cho Thế Vận hội Tokyo 2020, từ năm 2015, Nhật Bản dự kiến tiếp nhận số lượng lớn thực tập sinh nghề xây dựng và xem xét việc tiếp nhận lại các thực tập sinh xây dựng đã hoàn thành hợp đồng về nước trước đây. Cho nên, trong thời gian tới, số LĐ đi làm việc ở cả Nhật Bản và Đài Loan sẽ tăng đáng kể.

Nhân lực chất lượng cao nhiều cơ hội

Ngoài cơ hội cho LĐ phổ thông, cánh cửa tiếp nhận nhân lực có trình độ của Việt Nam đang dần hé mở. Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thanh Hòa, chương trình hỗ trợ đào tạo LĐ trình độ cao đi làm việc ở nước ngoài giữa DN Việt Nam với đối tác nước ngoài hiện đang được triển khai. Tới đây, tại khu vực châu Phi và Trung Đông, Việt Nam sẽ ký kết thỏa thuận với Angola và Saudi Arabia trong một số lĩnh vực để tạo điều kiện phát triển việc làm an toàn cho LĐ Việt Nam. Ở thị trường khó tính như châu Âu, Cục Quản lý LĐ ngoài nước đã tuyển chọn được 125 ứng viên cho khóa 2 của chương trình thí điểm “Đào tạo điều dưỡng viên đến từ Việt Nam” cho CHLB Đức trong năm 2015. Mặc dù số LĐ trong lĩnh vực này chưa nhiều, nhưng đã tạo đà để mở rộng thị trường XKLĐ nghề có trình độ, thu nhập cao tại các nước phát triển.

Bên cạnh đó, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập, trong năm 2015, LĐ thuộc 8 ngành nghề: Kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và du lịch sẽ được tự do di chuyển trong khối ASEAN thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh cũng được di chuyển tự do hơn. Vì vậy, số lượng LĐ đi làm việc ở nước ngoài thuộc đối tượng này dự báo sẽ có sự gia tăng trong năm 2015.

Rõ ràng, đường đi của XKLĐ trong năm 2015 và những năm tiếp theo đã được mở rộng. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam Nguyễn Lương Trào: “Để phát triển thị trường XKLĐ, mở rộng và duy trì những thị trường truyền thống một cách bền vững, cả người LĐ, các DN tuyển dụng và các tổ chức, các cấp quản lý phải không ngừng nâng cao chất lượng, tính kỷ luật của người LĐ Việt Nam”.