Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rốt ráo thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP: Giúp hạ nhiệt chỉ số CPI

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm đã tăng 9,64% so với tháng 12/2010, đây là mức cao kỷ lục.

KTĐT - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm đã tăng 9,64% so với tháng 12/2010, đây là mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, có khả năng CPI sẽ giảm dần từ tháng 5, nếu các bộ, ngành đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP,đó là nhận định của Tổ điều hành thị trường trong nước trong cuộc họp giao ban do Bộ Công Thương tổ chức.


Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, để chống lạm phát, Chính phủ đã thực hiện các giải pháp giảm tổng cầu của nền kinh tế như giảm tốc độ tăng tín dụng và giảm tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán ở mức hợp lý. Chính sách giảm tổng cầu của nền kinh tế là liều thuốc "đặc trị" kiềm chế lạm phát hiện nay. Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội cho rằng: Nếu thực hiện nghiêm túc các giải pháp kiềm chế lạm phát đã được đưa ra trong Nghị quyết 11 chắc chắn việc chống lạm phát sẽ thành công. Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý TƯ cũng cho rằng:Nhà nước cần tiếp tục kiên trì chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khóa và nỗ lực cắt giảm chi tiêu công. Bên cạnh đó, cũng phải thực hiện ngay việc giảm mức nhập siêu xuống thấp nhất bằng cách đưa ra các hàng rào kỹ thuật. "Khi đó tăng trưởng GDP của cả nước chỉ còn ở mức 3 - 4% nhưng chắc chắn sẽ giải quyết được vấn đề lạm phát. Nhiều quốc gia trong thời kỳ khủng hoảng chỉ kỳ vọng GDP tăng 1 - 2%, thậm chí chấp nhận GDP tăng trưởng âm, nhưng để giữ ổn định nền kinh tế. Nếu kéo dài việc tăng lãi suất sẽ làm các doanh nghiệp không dám vay, không dám đẩy mạnh sản xuất gây mất cân đối tiền - hàng và lạm phát lại cứ tiếp diễn" ông Thành khẳng định. Từ nay đến cuối năm, Chính phủ không nên đồng ý tăng giá những hàng hóa cơ bản như xăng dầu, điện. Mặc dù việc điều chỉnh giá các mặt hàng này theo giá thị trường là cần thiết, nhưng ở thời điểm này là chưa hợp lý.


Việc các địa phương đẩy mạnh thực hiện chương trình bình ổn giá sẽ góp phần giảm bớt tác động tiêu cực của việc tăng giá hàng hóa tới đời sống của người dân. Theo Bộ Công Thương, để kiềm chế lạm phát trong tháng 4, nhiều bộ, ngành đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP như: giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; lập đoàn kiểm tra về giá đối với một số mặt hàng gồm: thép xây dựng, khí hóa lỏng, sữa bột cho trẻ em, đường ăn và thức ăn chăn nuôi gia súc, xi măng và phân bón hóa học. Đợt kiểm tra nhằm đánh giá tác động các yếu tố đầu vào tới việc tăng giá bán lẻ, hạn chế tình trạng tăng giá bất hợp lý.


Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất, từ đó bảo đảm nguồn hàng cung ứng đủ cho thị trường; Đẩy mạnh thực hiện việc tiết kiệm chi phí, bảo đảm giữ vững cân đối cung - cầu các mặt hàng trọng yếu với giá bán hợp lý. Tuy nhiên, để các biện pháp này thu được kết quả khả quan thì tại các địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, nhất là đối với mặt hàng thiết yếu. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đăng ký niêm yết giá đối với các mặt hàng thiết yếu từ đó hạn chế tình trạng đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bất hợp lý.