KTĐT - Nạn lừa đảo tín dụng và sử dụng thẻ bất hợp pháp đang diễn biến ngày một tinh vi trên Internet, thông qua các chợ ảo. Việc mới đây một loạt các tựa eBook bỗng trở thành "hot" trên iTunes cũng không loại trừ là một hình thức rửa tiền của giới tội phạm mạng.
Rửa tiền qua iTunes - vừa nhanh vừa... dễ
Trong loạt bài viết phóng sự trước đây, VietNamNet đã từng đề cập tới vấn đề lừa đảo tín dụng và rửa tiền thông qua các tài khoản nội dung số. Việc làm này không phải là mới và đã tồn tại gần 10 năm nay kể từ khi Internet trở thành phổ cập tại Việt Nam.
Việc mới đây một gian ứng dụng của "nhà phát triển" Thuat Nguyen lọt vào top hàng "hot" của Apple iTunes một cách khó hiểu cũng là một chuyện không có gì lạ. Nói một cách dễ hiểu, câu chuyện sẽ được suy ra từ việc tác giả cố tình đưa nội dung số của mình lên kho ứng dụng App Store. Sau đó lại tạo hàng loạt tài khoản khách hàng, tự nạp tiền bằng thẻ tín dụng "chùa" rồi quay lại mua chính những ứng dụng mà mình tạo ra.
Cơ chế vận hành mở của App Store đã tạo nên một hành lang thông thoáng cho các lập trình viên kiếm tiền trên kho ứng dụng này với lợi nhuận tăng lên hàng giờ. Nhưng cũng chính như thế đã tạo một lỗ hổng về pháp lý để các phisher (kẻ lừa đảo trực tuyến - PV) khai thác và rửa tiền.
Cơ chế tạo tài khoản mua hàng trên Apple cũng còn khá nhiều sơ hở. Bạn có thể tạo hàng loạt tài khoản bằng cách tạo ra các địa chỉ email khác nhau và sau đó điền thông tin thẻ tín dụng của bất-kỳ-ai mà không cần một cơ chế xác thực nào.
Ngay sau khi tài khoản mua hàng được kích hoạt, người mua có thể chọn mua ứng dụng tùy thích từ App Store với trên 200.000 ứng dụng cả miễn phí và có phí. Phần mềm iTunes thực chất là một ứng dụng cho phép người mua truy xuất vào kho dữ liệu nội dung này và tải về máy sau khi trả tiền để rồi sau đó nạp vào điện thoại iPhone hay bất kỳ thiết bị giải trí nào của Apple.
Trăm người bán, vạn người mua
Không riêng gì Apple, rất nhiều nhà quản lý nội dung khác cũng đang đau đầu về vấn nạn này. Trong số đó có thể kể đến PlayStation Store của Sony, Xbox Live của Microsoft hay Steam của Valve.
Chính sự buông lỏng quản lý và thiếu chế tài xử lý đã khiến việc buôn bán các tài khoản "chùa" diễn ra một cách công khai trên Internet. Chỉ với một từ khóa đơn giản, người dùng sẽ nhận được không dưới 100.000 kết quả về các rao bán account nội dung số với giá rẻ mạt.
Với giá trị quy đổi tài khoản trị giá 100 USD bằng 100.000VNĐ, giới phisher sẽ dễ dàng rửa tiền nhanh chóng và tiếp tay cho chúng không ai khác là người dùng muốn mua hàng giá rẻ.
Điểm đặc biệt của những kẻ bán tài khoản chùa này là rất dễ mua dễ bán, thậm chí sẵn sàng gửi tài khoản trước, thu tiền sau. Việc thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản ngay sau khi kiểm tra sự hoạt động của tài khoản download nội dung chùa được xác nhận.
Trong một số tình huống, tài khoản hoạt động không ổn định hoặc phát sinh lỗi còn được... bảo hành bằng cách thay thế tài khoản mới. Lý do đơn giản là tài khoản đã bị chủ thẻ phát hiện và gửi thông báo tới hãng để khóa lại hoặc mất quyền đăng nhập vào kho dữ liệu vĩnh viễn.
Quay trở lại với câu chuyện của Thuat Nguyen, ta có thể thấy hành động này dễ dẫn tới việc thương mại điện tử tại Việt Nam lại quay về điểm đen năm 2004, khi cả thế giới quay lưng và tẩy chay các giao dịch xuất phát từ Việt Nam. Đó không còn là vấn đề của một nhóm tội phạm mạng mà đó còn là vấn đề quốc thể cũng như các lợi ích từ thương mại điện tử bị đình trệ, thiệt hại về kinh tế với con số hàng tỷ USD.
Có lẽ hồi chuông cảnh báo về tội phạm mạng lại một lần nữa rung lên và có lẽ đã đến lúc cần một hành lang pháp lý chặt chẽ để hạn chế và ngăn chặn loại tội phạm này hoành hành.