"Xưởng sản xuất" là một căn phòng rộng chừng hơn 20m2, ngổn ngang các loại thùng, vỏ chai, can... các loại. Ngay cửa nhà vệ sinh là các thùng rượu được tận dụng từ thùng đựng sơn quét tường, bên trong lổn nhổn bã rượu đã được tận dụng nhiều lần.
Trước cửa ra vào, rượu nguyên liệu được đựng trong những thùng nhựa to, để ngoài trời, trên nắp phủ bao tải rất mất vệ sinh. Những túi nút chai thu mua từ đồng nát bám đầy đất cát, được rửa sơ qua bằng nước trước khi đóng chai thành phẩm.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã tạm giữ tổng số 515 chai rượu các loại nhãn hiệu quốc lủi, nếp hoa vàng, nếp đục, rượu đặc sản dân tộc Sán Lung, 310 lít rượu nguyên liệu, 15kg nút chai, 3kg nhãn mác, hàng nghìn vỏ chai, 3 chai tinh dầu hương ngô và hương cốm, 1 túi đường hóa học, máy đóng nút chai, màng co...
Bước đầu, ông Nguyễn Tiến Vinh, chủ cơ sở thừa nhận mặc dù đã sản xuất rượu khá lâu nhưng không hề có giấy phép kinh doanh, không có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Thu, người chuyên bỏ mối rượu cho ông Vinh trình bày công nghệ pha chế các loại rượu quê như sau: rượu trắng ngâm với thục để lấy màu, pha thêm hương liệu, hương cốm hoặc hương ngô thành rượu đặc sản dân tộc Sán Lung. Rượu trắng, trộn thêm bã rượu nếp sẽ trở thành các loại rượu nếp cái, nếp đục. Thế nhưng trên nhãn mác, các loại rượu này được quảng cáo khá hấp dẫn như: "Rượu được sản xuất bằng nếp cái hoa vàng ngâm hạ thổ 3 tháng, có mùi thơm dịu của gạo, vị ngọt của men, dễ uống, không đau đầu, rất tốt cho sức khỏe" hoặc "Được nấu từ 100% gạo nếp với nguồn nước tự nhiên tinh khiết, được lên men theo phương pháp gia truyền với loại men đặc biệt làm từ 32 loại thuốc bắc và chưng cất bằng phương pháp truyền thống nồi đồng, nồi đất".
Đặc biệt, trên các nhãn mác này không hề ghi địa chỉ sản xuất. Các chai hương liệu dùng để pha chế rượu cũng không có nguồn gốc, được chủ cơ sở khai mua tại chợ Đồng Xuân.
Theo bà Nguyễn Thị Thu, các loại rượu trên được tiêu thụ chủ yếu cho các quán nước, quán cơm bình dân, phục vụ các đối tượng sinh viên, thợ xây với giá bán buôn chỉ 4.000 đồng/chai, được quảng cáo là rượu nấu tại quê. Do giá rẻ nên loại rượu này được tiêu thụ khá chạy. Mỗi ngày, cơ sở này sản xuất hàng trăm chai rượu các loại.
Trung tá Bùi Văn Đang, Trưởng Công an phường Dịch Vọng cho biết, việc kiểm tra cơ sở sản xuất rượu trên mở đầu cho cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm, bảo vệ Tết Nguyên đán Canh Dần trên địa bàn phường. Cùng với việc tạm giữ tang vật, Công an phường đang phối hợp cơ quan chức năng lấy mẫu rượu để giám định
Theo một cán bộ Quản lý thị trường, các loại rượu rẻ tiền như trên hiện nay khá phổ biến trên thị trường, được người bán hàng quảng cáo là rượu nấu tại quê.
Thực tế, các loại rượu này được sản xuất từ cồn pha nước lã, trộn lẫn hương liệu, phẩm màu và một phần nhỏ rượu nấu để đánh lừa người tiêu dùng. Sử dụng các loại rượu không rõ nguồn gốc này, là nguyên nhân gây ra tình trạng ngộ độc rượu.