Tỷ lệ rượu giả (rượu có thương hiệu) tại Việt Nam đã giảm từ mức 9,1% năm 2009 xuống còn 6,6% năm 2010 và chỉ còn 4,4% năm 2011. Đó là kết quả khảo sát được thực hiện bởi NSP – một công ty Thái Lan chuyên về nghiên cứu thị trường các sản phẩm có cồn ở châu Á.
Cách thức khảo sát là NSP mua ngẫu nhiên hàng nghìn chai hoặc ly rượu từ các quầy rượu, quán bar, vũ trường, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn cao cấp..., đưa vào phân tích trên hệ thống máy móc chuyên biệt để xem có bao nhiêu là giả, bao nhiêu là thật.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “cập nhật tình hình chống hàng giả” do Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cùng hiệp hội rượu - bia - nước giải khát Việt Nam phối hợp tổ chức vào chiều ngày 13/9 tại TP HCM.
Tuy nhiên, tình trạng rượu lậu vẫn còn khá lớn và cơ quan chức năng vẫn chưa kiểm soát được. Có ý kiến cho rằng rượu nhập lậu vẫn còn chiếm đến 60- 70% quy mô thị trường rượu.
Theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch VATAP, khoảng 70% lượng rượu ngoại nhập lậu trên thị trường được nhập qua tuyến biên giới Tây Nam, miền Trung và gian lận thương mại khi làm thủ tục thông quan và tạm nhập tái xuất. Cụ thể rượu ngoại nhập lậu dọc tuyến biên giới các tỉnh biên giới Tây Nam như An Giang, Tây Ninh, Long An hay hành lang cửa khẩu Lao Bảo của Quảng Trị ở miền Trung.
Phương thức điển hình của gian lận thương mại là: Khai hải quan tạm nhập để tái xuất vào các cửa hàng miễn thuế trong khu vực kinh tế cửa khẩu, khu thương mại tự do hoặc tái xuất sang nước thứ 3 nhưng phần lớn lại được tuồn vào thị trường nội địa trên đường vận chuyển; hoặc gian lận khi làm thủ tục thông quan hàng nhập khẩu như nhập nhiều khai ít, nhập rượu ngoại nhưng khai là hàng khác.
Ông Bảo cũng cho biết, trước đây, rượu nhập lậu được chuyển từ Nam ra Bắc nhưng gần đây đã có hiện tượng rượu ngoại được nhập lậu vào các cảng biển phía Bắc và được vận chuyển ngược vào phía các tỉnh miền Trung, miền Nam. Nguy hiểm hơn, rượu giả sản xuất từ nước ngoài được trộn lẫn vào rượu ngoại nhập lậu hoặc các loại hàng hoá khác.