Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư xây dựng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng là yếu tố quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng. Luật Xây dựng ra đời đã hiện thực hóa và làm giảm đáng kể thủ tục hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch, phê duyệt đầu tư dự án và cấp phép xây dựng.

Theo quy định của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị hiện hành thì quy hoạch chi tiết xây dựng là căn cứ để lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình. Tuy nhiên, trong thực tế việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng còn chậm (mới đạt tỷ lệ 30%), chưa đáp ứng tốc độ đầu tư xây dựng. Do đó, để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có thể triển khai nhanh dự án, không phải chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch mới lập dự án, Luật Quy hoạch đô thị đã quy định việc cấp giấy phép quy hoạch và Nghị định 37/2010/NĐ-CP của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị đã hướng dẫn cụ thể các trường hợp cấp giấy phép quy hoạch, đồng thời quy định thời gian tối đa, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy phép quy hoạch cho chủ đầu tư.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Như vậy, theo quy định hiện hành, giấy phép quy hoạch chỉ được cấp đối với dự án đầu tư tại khu vực đô thị chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị được duyệt. Những khu vực đã có quy hoạch chi tiết được phê duyệt thì không yêu cầu phải xin cấp giấy phép quy hoạch. Việc thực hiện thủ tục cấp giấy phép quy hoạch chỉ do một cơ quan thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông là Sở Xây dựng hoặc Sở Quy hoạch kiến trúc. Thời gian thẩm định, lấy ý kiến và xem xét cấp giấy phép quy hoạch không quá 45 ngày. Pháp luật về đầu tư xây dựng không quy định chủ đầu tư phải trực tiếp xin ý kiến của các cơ quan có liên quan khi có yêu cầu cấp giấy phép quy hoạch xây dựng, mà trách nhiệm này là thuộc về cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng. Việc quy định cấp giấy phép quy hoạch xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiến hành công tác chuẩn bị dự án đối với những khu vực chưa có quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết, không phải chờ Nhà nước phê duyệt quy hoạch xây dựng xong mới tiến hành lập dự án.

Về thủ tục cấp giấy phép xây dựng (GPXD), Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Các quy định về cấp GPXD đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân và DN. Nhờ đó, những năm qua công tác cấp phép xây dựng đã đạt được những kết quả tích cực. Tỷ lệ số công trình xây dựng có giấy phép xây dựng tăng dần qua các năm: năm 2005 - 71%, năm 2006 - 76%, năm 2007 - 79%, năm 2008 - 86,8%, năm 2009 - 88,2%, năm 2010 - 90,4%, năm 2011 - 90%, năm 2012 - 92%, năm 2013 - 92%, 6 tháng đầu năm 2104 - 92,9% trên tổng số công trình xây dựng.

Liên quan đến thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Pháp luật về đầu tư xây dựng hiện hành đã có quy định cụ thể về trình tự, hồ sơ, nội dung, thẩm quyền và thời hạn thẩm định, phê duyệt dự án và quy định cụ thể về trách nhiệm, thời gian xem xét lấy ý kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và các cơ quan khác có liên quan khi thẩm định dự án. Việc tổ chức thẩm định dự án là thuộc thẩm quyền của người quyết định đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng chỉ góp ý về thiết kế cơ sở; thời gian cho ý kiến đã được qui định cụ thể đối với dự án nhóm A là 40 ngày, nhóm B là 20 ngày, nhóm C là 10 ngày.

Trên cơ sở các quy định của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư hướng dẫn các nội dung liên quan đến quản lý dự án đầu tư xây dựng, trách nhiệm của cơ quan đầu mối thẩm định và các đơn vị phối hợp theo loại công trình xây dựng và nguồn vốn sử dụng cho dự án để bảo đảm cho việc thẩm định được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Nhờ vậy, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng đã được rút ngắn đáng kể.