Rút quân khỏi Syria, Nga giành thế thượng phong

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi tuyên bố rút quân khỏi chiến trường Syria hôm 14/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến thế giới ngạc nhiên không kém lúc Moscow quyết định tham gia mặt trận này hồi cuối năm ngoái.

Phương Tây tỏ thái độ thận trọng trước tin tức đến vào thời điểm cuộc nội chiến Syria vừa bước sang năm thứ 6 và chuỗi đàm phán hòa bình tiếp nối ở Geneva.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gây ngạc nhiên với quyết định rút quân khỏi Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gây ngạc nhiên với quyết định rút quân khỏi Syria.
Thực tế, động thái này theo các nhà phân tích là hoàn toàn có lý và một lần nữa cho thấy nước cờ cao tay của Tổng thống Putin. Tháng 10 năm ngoái, nhiều nghi ngại đặt ra khi Nga tham gia cuộc chơi ở Syria mà không thông qua liên quân quốc tế. Tuy nhiên, những thắng lợi trên thực địa đã giúp Tổng thống Putin minh chứng được sự lão luyện khi lựa chọn chính xác phương thức, thời điểm can thiệp vào Syria. Cho đến nay, can thiệp quân sự của Nga tại Syria được đánh giá là một thành công nhanh gọn và ít thương vong. Mục đích minh chứng vai trò của Moscow tại mặt trận này nhìn chung đã thành công. Trong bối cảnh 2018 là năm bầu cử và tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin còn khá cao, điều Điện Kremli cần làm thời điểm này là “lùi để tiến”, rút khỏi cuộc chiến mà nếu tiếp tục sẽ có nguy cơ sa lầy.

Theo chuyên gia Adam Schiff của Ủy ban tình báo Mỹ, bước đi này cho thấy tầm nhìn thực tế và có phần thực dụng của Moscow. Nga đã tính toán để giảm vai trò tại Syria trước khi cái giá của can thiệp trở nên quá đắt hoặc việc rút lui trở nên quá khó khăn. Kinh tế Nga vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng, giá dầu bước đầu khởi sắc nhưng chưa ổn định và người dân Nga bắt đầu phàn nàn về mức sống suy giảm. Cắt giảm ngân sách quốc gia đang dần ảnh hưởng tới nguồn vốn đổ vào hoạt động quân sự. Một số chuyên gia Trung Đông cũng cảnh báo, nếu tiếp tục tham gia mặt trận Syria, Nga có thể sa lầy vào một cuộc chiến với Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi chiến đấu cơ Moscow bị Ankara bắn rơi cuối năm ngoái. Một số nhà quan sát cho rằng, động thái này còn có thể khiến phương Tây giảm nhẹ những biện pháp trừng phạt kinh tế lên Moscow do can thiệp tại Ukraine. Tuy nhiên, vẫn chỉ là khả năng, bởi phương Tây duy trì tách biệt vấn đề Syria và Ukraine.

Vẫn chưa rõ tầm ảnh hưởng của quyết định này tới chuỗi hòa đàm tại Geneva. Câu hỏi đặt ra là những hậu thuẫn của Moscow tới chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad có suy giảm. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga Putin đã điện đàm thông báo cho Tổng thống Syria Assad về quyết định của Moscow, tuy nhiên hai nhà lãnh đạo không thảo luận về tương lai của ông Assad - trở ngại lớn nhất trong việc đạt được thỏa thuận hòa bình ở Syria. Dù vậy, giới chức Nga cũng thừa nhận rất khó để duy trì toàn bộ quyền lực của ông Assad, trong lúc rất cần một thỏa thuận hòa bình lâu dài tại Syria. Chuỗi đàm phán lần này, tái khởi động sau nhiều lần trì hoãn và đối diện muôn trùng mâu thuẫn, được coi là cơ hội cuối cùng để tìm lại bình yên cho Syria. Động thái của Moscow sẽ “thuận nước đẩy thuyền” cho tiến trình phức tạp này và giúp Nga giành thế thượng phong trong các cuộc mặc cả tiếp theo với phương Tây.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần