Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sa sút trí tuệ - nỗi khổ của người cao tuổi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất của sa sút trí tuệ ở các nước phương Tây, còn ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam chủ yếu lại do bệnh mạch máu não.

Đây là nỗi khổ của những người cao tuổi, khiến các thành viên trong gia đình nhiều khi phải chịu thiệt thòi về mặt tình cảm.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Lúc đầu, bệnh cảnh Alzheimer được cho là một dạng sa sút trí tuệ tiền lão suy không hay gặp. Tuy nhiên, về sau người ta thấy rằng bệnh Alzheimer có thể xảy ra ở người lớn bất cứ lứa tuổi nào và là nguyên nhân phổ biến nhất gây sa sút trí tuệ. Biểu hiện của bệnh lúc đầu chỉ là hơi mất trí nhớ, sau là sa sút trí tuệ tiến triển chậm với một tiến trình nhiều năm. Về mặt bệnh lý thì có tình trạng teo vỏ não lan tỏa kèm theo giãn rộng não thất thứ phát.

Trong giai đoạn đầu của bệnh, việc mất trí nhớ có thể không được nhận ra hoặc có thể chỉ cho là tính hay quên vô hại. Dần dần, những vấn đề về nhận thức bắt đầu gây cản trở hoạt động thường nhật, chẳng hạn như trong việc tiếp xúc với tiền bạc, lái xe, mua hàng và trông nom nhà cửa... Một số bệnh nhân không nhận ra những khó khăn này, nhưng có bệnh nhân lại rất biết bệnh của mình nên thất vọng và lo lắng. Ngôn ngữ có thể bị ảnh hưởng, nhất là việc hiểu ra và gọi tên các đối tượng, sự vật; là việc nói lòng vòng.

Trong giai đoạn sau của bệnh, một số bệnh nhân vẫn đi lại được nhưng đi lang thang không mục đích và có thể mất hoàn toàn khả năng phán đoán, nhận thức. Kiểu thức, ngủ chập chờn có thể gây khó chịu và việc đi lang thang trong đêm tối có thể gây rất nhiều phiền hà cho những người trong gia đình. Bệnh nhân có thể cần được giúp đỡ trong những việc đơn giản nhất như cho ăn uống, mặc quần áo, đi vệ sinh... Bệnh nhân thường bị tử vong do suy dinh dưỡng, bội nhiễm hay do bệnh tim mạch. Tiến trình của bệnh thường kéo dài từ 8 - 10 năm.

Việc điều trị bệnh Alzheimer còn gặp nhiều khó khăn vì không có một liệu pháp nào đặc hiệu. Xây dựng quan hệ tốt giữa bệnh nhân với các thành viên trong gia đình và những người chăm sóc là rất cần thiết. Trong giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer thì các biện pháp hỗ trợ cho trí nhớ như sổ tay, máy nhắc công việc hàng ngày là rất hữu ích. Những người trong gia đình nên tạo ra các hoạt động gây vui vẻ và tránh những chuyện căng thẳng. Bếp núc, nhà tắm, phòng ngủ nên giữ cho an toàn; giao lưu trò chuyện và duy trì tâm trạng bình thản là rất cần thiết.

Bên cạnh Alzheimer, sa sút trí tuệ còn khởi phát từ bệnh mạch máu não. Loại bệnh này có thể chia thành 2 loại chính: Sa sút trí tuệ đa nhồi máu và sa sút trí tuệ chất trắng lan tỏa (còn gọi là bệnh não xơ cứng động mạch dưới vỏ). Những người đã từng bị nhiều cơn đột quỵ có thể phát triển những thiếu hụt mạn tính về nhận thức và thường được gọi là sa sút trí tuệ đa nhồi máu. Bệnh nhân thường có tiền sử bị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh động mạch vành hoặc những biểu hiện khác của vữa xơ động mạch lan tỏa. Biểu hiện dễ nhận ra là liệt nhẹ nửa người, phản xạ babinski dương tính, khuyết thị trường...

Một số người sa sút trí tuệ được phát hiện bằng chụp cộng hưởng từ (MRI) có những bất thường hai bên của chất trắng dưới vỏ gọi là bệnh chất trắng lan tỏa. Thể sa sút trí tuệ này có thể khởi phát âm thầm và tiến triển chậm. Những triệu chứng ban đầu là hơi bị lẫn lộn, vô cảm, thay đổi tính cách và thiếu hụt trí nhớ. Sau đó, người bệnh bắt đầu có khó khăn trong phán đoán và định hướng, rồi là sự lệ thuộc vào người khác trong những hoạt động thường nhật. Những bệnh nhân này thường có tiền sử tăng huyết áp, nhưng bất kỳ bệnh nào làm hẹp các mạch não nhỏ cũng có thể là yếu tố nguy cơ quan trọng. Điều trị sa sút trí tuệ do mạch máu não chủ yếu tập trung vào những nguyên nhân nền như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và đái tháo đường. Tuy nhiên, việc phục hồi chức năng nhận thức đã mất hầu như là không thể.