Sắc màu mới trong bức tranh FDI

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một bản đề án về định hướng, giải pháp thu hút dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển để tái định vị và sắp xếp lại dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu thời kỳ Covid-19 đã được đệ trình lên Chính phủ.

Dồn dập tái khởi động 
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, cùng với việc chủ động tiếp cận các tập đoàn có xu hướng tái định vị sản xuất để vận động họ vào Việt Nam đầu tư, thì Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ nghiên cứu, tham mưu và đề xuất các gói ưu đãi phù hợp, làm căn cứ cho quá trình đàm phán với các nhà đầu tư (NĐT) này.

Động thái mới nhất trong hoạt động xúc tiến thu hút FDI là ngày 23/9, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) và Ngân hàng HSBC đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác nhằm thúc đẩy, thu hút đầu tư của các DN nước ngoài.
Lần đầu tiên một cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng định hướng, chính sách về thu hút FDI và một tổ chức dịch vụ tài chính - ngân hàng lớn nhất thế giới có sự bắt tay ở tầm cao mới, để xây dựng tài liệu xúc tiến đầu tư, xác định dự án ưu tiên thúc đẩy đầu tư của các NĐT tiềm năng, nghiên cứu về xu hướng, chính sách thu hút đầu tư…
 Sản xuất linh kiện điện tử chất lượng cao tại Công ty Toho Việt Nam, khu CN Thạch Thất. Ảnh: Thanh Hải
Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài, việc phối hợp với các ngân hàng trong thu hút FDI, đặc biệt là để đón đầu làn sóng chuyển dịch là giải pháp rất hiệu quả hiện nay. Trước đó, Cục Đầu tư nước ngoài cũng đã ký một MOU với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) về tăng cường xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản.
Cơ quan này cũng tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến thu hút tới cả nghìn đại biểu, làm việc trực tuyến song phương với các NĐT nước ngoài… trong nỗ lực duy trì chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Thế giới đã khám phá một nước Việt Nam an toàn, có truyền thống quản lý khá nhân văn và hiệu quả đối với bệnh dịch, cộng với những tiềm năng khác nên dòng chảy vốn ngoại vẫn tiếp tục đổ mạnh về đây. Thống kê cho thấy, 8 tháng qua, gần 20 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới Việt Nam. Rất nhiều dự án khủng được công bố, chẳng hạn Tập đoàn Pegatron công bố kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam; Tập đoàn Milennium đang lên kế hoạch triển khai siêu dự án điện khí 15 tỷ USD tại Khánh Hòa…

“Rất nhiều NĐT nước ngoài muốn đầu tư các dự án quy mô lớn, 500 triệu USD, 1 tỷ USD tại Việt Nam nhưng vì đang trong quá trình đàm phán nên chúng tôi chưa thể tiết lộ” - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng chia sẻ với báo chí. Vị này cho biết thêm, để đón các NĐT lớn cũng như dòng vốn đầu tư dịch chuyển, Việt Nam đang chuẩn bị sẵn sàng những gì mà NĐT cần, bao gồm cả mặt bằng, năng lượng, nhân lực…

Cần những chuyển động tích cực mới

Nhìn lại sâu hơn về dòng chảy FDI để thấy, cơ hội là tuyệt vời nhưng để nắn dòng chảy đúng hướng và tạo ra giá trị lan tỏa thực sự với nền kinh tế là điều cần thiết. Báo cáo đầu tư nước ngoài năm 2019 của Hội nghị Liên Hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) nhận xét, FDI toàn cầu năm 2018 đạt 1.300 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2017 (1.500 tỷ USD).
Một nguyên nhân quan trọng của tình trạng giảm sút FDI là việc khá nhiều công ty đa quốc gia (MNE) Mỹ hồi hương từ nước ngoài để hưởng chính sách ưu đãi thuế của Chính phủ, một số nước phát triển giảm đầu tư ra nước ngoài làm cho FDI của họ giảm khoảng 25%, còn 557 tỷ USD năm 2018.

FDI vào các nước đang phát triển tăng 2% trong năm 2018, chiếm 54% vốn đầu tư toàn cầu (năm 2017 là 46%). Năm 2019, FDI của các nước phát triển phục hồi khi hiệu ứng cải cách thuế của Mỹ giảm dần; 2 quý đầu năm 2020, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tăng 18% do tác động của Chính phủ Mỹ yêu cầu các MNE nước này thanh khoản các chi nhánh nước ngoài. Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, xu hướng tăng FDI toàn cầu không cao do bị chi phối bởi các yếu tố như rủi ro địa chính trị, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và chính sách bảo hộ mậu dịch.

Xu hướng giảm tốc độ tăng FDI toàn cầu do nhiều nhân tố, chủ yếu là tỷ lệ hoàn vốn đầu tư nước ngoài giảm và chính sách, môi trường đầu tư ít thuận lợi hơn. Bởi vậy, lần đầu tiên, Việt Nam nằm trong 20 nước thu hút FDI hàng đầu thế giới trong năm 2019, thực sự là thông tin tích cực và đáng chú ý.

Ở khía cạnh tích cực, FDI đã đem đến nhiều điểm sáng cho các vùng đất mà nó hiện diện. Chẳng hạn, một số địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương, Hải Phòng đã vươn lên trở thành “sếu đầu đàn” khi có các tập đoàn toàn cầu chọn làm cứ điểm sản xuất. Thu nhập và cuộc sống của người dân tại những nơi có các khu công nghiệp nước ngoài hoạt động kinh doanh cũng được cải thiện đáng kể. Xuất siêu của Việt Nam liên tục tăng và thặng dư thương mại năm 2019 đã đạt mức kỷ lục trên 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, những điểm chưa được cũng thực sự lớn. Các chuyên gia đã thẳng thắn chỉ ra, nhiều công ty của Việt Nam hiện nay chỉ nhận được tiền gia công rẻ mạt, trong khi lại gây ô nhiễm môi trường. Chất lượng và hiệu quả của FDI năm 2019 chưa đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong quá trình chuyển sang định hướng đổi mới, sáng tạo, khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Quy mô trung bình mỗi dự án FDI quá nhỏ, trung bình mỗi dự án chỉ có khoảng 4,3 triệu USD vốn đăng ký. Một số địa phương còn thu hút cả những dự án 1 - 2 triệu USD, thậm chí dưới 1 triệu USD.

Nếu năm 2018 có một số dự án quy mô lớn như: Thành phố thông minh tại Đông Anh (Hà Nội) liên doanh với Nhật Bản 4,14 tỷ USD, Nhà máy sản xuất Polypropylene và kho ngầm chứa dầu mỏ hóa lỏng của Hàn Quốc đầu tư 1,2 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu thì năm 2019, dự án quy mô lớn nhất là 420 triệu USD.

Trong ngành chế tạo, chế biến, chưa thu hút được dự án công nghệ tương lai như AI, blockchain, fintech, trung tâm R&D, nhất là ở 2 trung tâm kinh tế lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có tiềm lực khoa học và công nghệ lớn, dồi dào về lao động chất lượng cao.

Những “gót chân achilles” như đã đề cập ở trên đòi hỏi một cuộc chuyển mình mới trong định hướng và thực thi thu hút FDI. Chim sẻ hay đại bàng đều quan trọng, miễn sao đó thực sự mang đến những điểm vượt trội cho nền kinh tế đang có những bước chuyển mình.

Khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của DN Việt cũng cải thiện đáng kể. Đơn cử, với sự hỗ trợ của Samsung, từ chỗ chỉ có 4 DN Việt là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung vào năm 2014, con số đã tăng lên 42 DN vào cuối năm 2019 và dự kiến hết năm 2020 là 50 DN .