Chính vì vậy, sáng 16/12, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo giới thiệu góp ý hoàn thiện tiêu chí đánh giá, thẩm định SGK ngoại ngữ sử dụng trong các trường phổ thông.
Không dễ triển khai
Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong những đơn vị đang triển khai SGK tiếng Anh thí điểm của Bộ GD&ĐT. Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy tiếng Anh trong trường học, một giáo viên của trường cho biết, bộ SGK mới đang thí điểm có rất nhiều ưu điểm so với SGK cũ khi rèn luyện được cả 4 kỹ năng cho HS. Tuy nhiên, việc giảng dạy trong các trường THCS không dễ dàng bởi trình độ tiếng Anh của học sinh tiểu học lên THCS rất chênh lệch.
Đối với bậc tiểu học, một giáo viên dạy tiếng Anh bày tỏ: "Cùng với sự chỉnh lý hàng năm, bộ sách này có nhiều ưu điểm phù hợp với học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng triển khai được do điều kiện giáo viên tiếng Anh trong các trường chưa đồng đều. Tình trạng thiếu giáo viên khiến các trường phải liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để dạy tăng cường tiếng Anh cho HS".
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, chuyên gia tư vấn cho Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, hiện đang có tình trạng loạn liên kết dạy tiếng Anh trong trường học. Tuy nhiên không thể quản lý việc dạy tiếng Anh bằng cách bắt buộc các trường phải dạy theo một bộ SGK duy nhất. "Càng có nhiều bộ SGK tiếng Anh càng tốt. Mỗi trường đều có thể lựa chọn chương trình phù hợp với điều kiện riêng. Điều cần thiết ở đây là phải có một bộ tiêu chí để căn cứ vào đó xác định được chất lượng của chương trình SGK đó" - ông Hùng nhấn mạnh.
Không nên đóng cửa bảo nhau
Ngay tại hội thảo, đa số các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cho rằng, cần có một bộ tiêu chí đánh giá SGK rõ ràng, cụ thể để làm căn cứ xây dựng một chương trình SGK thích hợp đối với người học, phù hợp với từng thời kỳ.
Theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, bộ tiêu chí đánh giá SGK tiếng Anh phải nghiên cứu sâu rộng, có tiêu chí đánh giá rõ ràng hơn. Còn theo ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, một chương trình nhiều bộ SGK là trăn trở nhiều năm nay của ngành giáo dục. "Môn nào cũng có thể có nhiều bộ sách để nhà trường chọn. Trong đó, môn tiếng Anh là môn đi đầu. Nghị quyết của Quốc hội đã quy định, trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là xây dựng, ban hành chương trình, quy định các tiêu chí để chọn lựa, đánh giá SGK, bộ sách nào dùng được". Cũng theo ông Nguyễn Vinh Hiển, kinh nghiệm qua chỉnh sửa SGK cần phải học hỏi thế giới, không nên "đóng cửa bảo nhau". Bộ sẽ chủ động biên soạn một bộ sách để kịp với tiến độ chỉ đạo đổi mới. "Hy vọng, bộ SGK mới sẽ tốt, Bộ khuyến khích các tổ chức, cá nhân viết, bởi SGK viết không tốt thì không thể tác động tích cực đến đổi mới phương pháp dạy học" - ông Hiển nhấn mạnh.
Một buổi học tại trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
|