Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sạch môi trường, tăng thu nhập

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hệ thống xử lý chất thải trang trại chăn nuôi theo cơ chế phát triển sạch CDM đầu tiên ở miền Bắc vừa được khởi công xây dựng tại xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa.

Theo đánh giá của các nhà quản lý, công nghệ mới này không chỉ giúp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn mà còn góp phần tăng thu nhập cho các hộ chăn nuôi.

Với quy mô chăn nuôi 15.000 con lợn, anh Nguyễn Văn Thanh, thôn Nội Xá, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa luôn trăn trở tìm cách "giải quyết" lượng chất thải hàng ngày. Hơn nữa, với cương vị Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ, huyện Ứng Hòa, anh cũng ý thức được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và anh em hội viên. Được sự kết nối của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, anh Thanh đã biết đến mô hình xử lý chất thải chăn nuôi theo công nghệ CDM và quyết tâm bỏ vốn đầu tư đưa công nghệ này về địa phương.

Sạch môi trường, tăng thu nhập - Ảnh 1

Lễ khởi công công trình hệ thống xử lý chất thải trang trại chăn nuôi theo cơ chế phát triển sạch CDM tại Hợp tác xã Hòa Mỹ, huyện Ứng Hòa.

Tại lễ khởi công xây dựng công trình xử lý chất thải đầu tuần qua, anh Thanh phấn khởi chia sẻ, sau khi đi vào hoạt động, công trình sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh thông qua việc bán tín chỉ xử lý phát thải. Dự kiến, hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi của anh Thanh sẽ hoàn thành trong tháng 8/2013, sau khi đi vào hoạt động, có thể cung cấp nguồn điện chạy bằng biogas có công suất lên tới 2Mw/ngày.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, TP hiện có 1,4 triệu con lợn, 20 triệu con gia cầm, 170.000 con trâu bò. Trung bình mỗi ngày toàn TP tiêu thụ 800 tấn thịt các loại. Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong những năm qua, TP đã dành khoảng 100 tỷ đồng để xử lý môi trường chăn nuôi, giết mổ, chế biến. Tuy nhiên, hệ thống xử lý chất thải trang trại chăn nuôi theo cơ chế phát triển sạch CDM tại HTX Hòa Mỹ là một trong những công trình lớn nhất, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với ngành chăn nuôi Thủ đô. Ngoài đảm bảo an toàn dịch bệnh, hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững, công trình này còn tận dụng được năng lượng sạch và sản phẩm phụ làm phân bón vi sinh...

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng nhận định, mỗi năm ngành chăn nuôi Việt Nam thải ra môi trường 80 tấn phân thải, 60 tấn nước tiểu. Trong đó, riêng chăn nuôi lợn thải ra 20 triệu tấn phân thải, 30 triệu tấn nước tiểu. Do vậy, việc xử lý môi trường chăn nuôi có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với phát triển nông nghiệp bền vững của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, nhất là trong bối cảnh các nước đã ký cam kết Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Dự kiến, sau khi mô hình đầu tiên ở HTX Hòa Mỹ đi vào hoạt động, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai xử lý chất thải tại các trang trại chăn nuôi khác và làng nghề. Trong đó trước mắt là xã đảo Minh Châu, huyện Ba Vì, nơi chất thải chăn nuôi đang có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sông Hồng.