Doanh nghiệp lớn cũng gian lận Lâu nay, thị trường vật tư nông nghiệp vẫn được đánh giá là tồn tại nhiều bất cập, bát nháo với sự tham gia của nhiều cơ sở, DN nhỏ làm theo “công nghệ cuốc xẻng”. Tuy nhiên, điều khiến cho nhiều người giật mình là trong số 139 lượt DN có sản phẩm bị thu hồi theo Quyết định của Tổng cục Thủy sản có những DN lớn trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y, thủy sản. Đơn cử như Công ty TNHH Thủy sản Toàn Cầu, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Navet…
Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Thanh Long – Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Thuận, một trong những tỉnh trọng điểm về NTTS hết sức phản đối hành động tày trời này. Theo ông Long, việc đưa các sản phẩm chưa qua kiểm định, kiểm nghiệm vào NTTS là lừa dối cả người sản xuất và người tiêu dùng. Đại diện Chi cục Thủy sản Hà Nội cũng khẳng định, nếu sản phẩm chưa qua kiểm định chất lượng đã đưa ra ngoài thị trường và người sản xuất vô tình sử dụng phải có thể gây mất ATTP. Ông Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) nhìn nhận, sai phạm lần này là một “vết nhơ” của ngành thủy sản và là kết quả của kiểu suy nghĩ làm ăn độc quyền. Theo ông Dũng, không thể đánh giá được thiệt hại do việc kiểm định “khống” các sản phẩm phục vụ NTTS gây ra vì Tổng cục Thủy sản không công bố rõ ràng hơn 800 sản phẩm bị thu hồi. Phải xử lý mạnh tay
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Luật sư Hoàng Thị Khánh Linh (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định, việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ để thay đổi phụ lục văn bản và sử dụng con dấu, phát hành văn bản với mục đích vụ lợi tại Tổng cục Thủy sản là hành vi vi phạm luật nghiêm trọng. Đây là hành vi lừa dối cơ quan quản lý, lừa dối người tiêu dùng, làm người dân giảm lòng tin vào giá trị giấy phép lưu hành sản phẩm của cơ quan Nhà nước… Phân tích sâu hơn, Luật sư Hoàng Thị Khánh Linh cho hay, hành vi làm “khống” công văn của Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định NTTS để đưa những sản phẩm không qua kiểm nghiệm, không đủ điều kiện lưu hành vào danh mục sản phẩm được phép lưu hành có dấu hiệu của “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Dấu hiệu này căn cứ theo Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Trong trường hợp các cá nhân là người có chức vụ, quyền hạn thì hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung giấy tờ tài liệu là hành vi “Giả mạo trong công tác” quy định tại Điều 284 Bộ luật Hình sự. Thậm chí, các cá nhân vi phạm còn có thể bị điều tra đối với hành vi cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ quyền hạn, nhận hối lộ… Tuy nhiên, điều bất cập là với 139 lượt DN có hành vi chạy kiểm định "khống", đưa sản phẩm chưa qua kiểm định bán ra thị trường chỉ bị thu hồi sản phẩm mà không bị xử lý. Chính vì vậy, dư luận cho rằng trong vụ việc này, nếu chỉ dừng lại ở mức xử lý kỷ luật, buộc thôi việc các cá nhân vi phạm và yêu cầu DN thu hồi sản phẩm là chưa đủ sức răn đe. Trong ngày 22/7, phóng viên đã rất cố gắng liên lạc nhưng ông Dương Văn Cường – Chánh Văn phòng Tổng cục Thủy sản, người được giao phát ngôn về vụ việc vẫn nhất quyết im lặng. Được biết, Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng đã có quyết định thanh tra toàn diện vụ việc này.
Nuôi trồng thủy sản tại xã Thụy Phú, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Quang Thiện |
Ông Hoàng Tiến Minh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết, trong tuần tới, Chi cục sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ việc sử dụng thức ăn thủy sản, chất xử lý môi trường NTTS trên địa bàn TP. |