Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội: Yếu tố con người là quan trọng nhất

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 28/4, Sở KH&CN Hà Nội đã tổ chức Hội thảo "Góp ý Dự thảo đề án xây dựng và vận hành sàn gian dịch công nghệ TP Hà Nội" nhằm tham khảo ý kiến chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp về việc xây dựng nền tảng cho các hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ trên địa bàn TP.

Trung gian cho cung - cầu công nghệ
Theo Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Quốc Hà, nhận thức rõ thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế, có vai trò then chốt trong việc tạo môi trường thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ. Ngay từ năm 2006, UBND TP Hà Nội đã xây dựng “Đề án phát triển thị trường khoa học và công nghệ TP Hà Nội giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2015” với mục tiêu tổng quát: “Phát triển thị trường KHCN trong sự gắn kết đồng bộ với hệ thống thị trường trên địa bàn nhằm phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô theo hướng hiệu quả, bền vững và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.".
 Quang cảnh Hội thảo
Đến nay, trong chiến lược phát triển KH&CN TP Hà Nội, việc phát triển thị trường KH&CN vẫn luôn được xác định là một trong những nội dung trọng tâm với quan điểm: Thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; Tập trung phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng, nguồn nhân lực và các định chế trung gian của thị trường KH&CN; Thúc đẩy quan hệ cung - cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ KH&CN; Phát huy vai trò chủ thể trung tâm của doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp KH&CN; Chủ động tích cực hội nhập với khu vực và thế giới về KH&CN.
Do đó, việc xây dựng và vận hành sàn giao dịch công nghệ của Hà Nội là rất cần thiết. Đây được xem là tổ chức quan trọng, có vai trò cốt lõi trong phát triển thị trưởng KHCN, là nền tảng cho các hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, đánh giá khoa học, định giá công nghệ. Gắn kết, tạo lập không gian hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, vươn ươm công nghệ.
Không những vậy, sản giao dịch công nghệ còn là nơi tập trung hoạt động giao dịch công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết thực trạng tiếp cận thông tin, tư vấn trao đổi về công nghệ thiết bị còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu hoặc chưa chưa liên kết được giữa cung và cầu công nghệ, thiết bị; hoạt động gặp gỡ tiếp xúc, đặt hàng trực tiếp giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu còn chưa thường xuyên, ông Nguyễn Quốc Hà chia sẻ.
Theo Dự thảo đề án xây dựng và vận hành sàn gian dịch công nghệ TP Hà Nội được Sở KH&CN xây dựng, sàn này sẽ có chức năng xây dựng, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu nhu cầu, khả năng cung cấp công nghệ; Giới thiệu, tư vấn thẩm định công nghệ bao gồm đánh giá, định giá, giám định công nghệ; Kết nối cung - cầu công nghệ; Tổ chức triển lãm, hội chợ công nghệ quốc gia, quốc tế định kỳ và thường xuyên; Tổ chức hoạt động xúc tiến công nghệ trong và ngoài nước.
Mô hình hoạt động của sàn giao dịch công nghệ sẽ gồm 2 hình thức: vật lý và trực tuyến. Trong đó, sàn vật lý sẽ là nơi trưng bày các sản phẩm công nghệ, địa điểm gặp gỡ của các bên cung - cầu cũng như tổ chức các hoạt động kết nối trung gian của thị trường công nghệ. Còn sàn trực tuyến sẽ hoạt động với mô hình sàn thương mại điện tử chuyên về công nghệ - thiết bị, là nền tảng cho các hoạt động tư vấn, môi giới cũng như cơ sở dữ liệu về thiết bị KHCN.
Nói về phương án tài chính của sàn giao dịch công nghệ Hà Nội, Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Quốc Hà cho biết, trong thời gian đầu thành lập cần theo hình thức đầu tư 100% vốn nghân sách nhà nước. Bởi theo kinh nghiệm quốc tế, hầu hết các sàn giao dịch công nghệ thành công được đầu tư ban đầu hoàn toàn bằng vốn ngân sách nhà nước với vai trò "bà đỡ" trong việc quản lý, phát triển thị trường KHCN theo đúng định hướng quốc gia và địa phương.
Con người là yếu tố quan trọng nhất
Tại cuộc Hội thảo, giới chuyên gia, các tổ chức KHCN, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều đóng góp nhằm hoàn thiện Dự thảo đề án xây dựng và vận hành sàn gian dịch công nghệ TP Hà Nội. Trong đó yếu tố được nhấn mạnh và cũng được xem là quan trọng nhất có thể giúp sàn này hoạt động thành công hay không là nằm ở con người.
 Nhân lực phát triển thị trường KHCN trong nước đang rất thiếu hụt
Thực vậy, hiện trạng chung về nguồn nhân lực phát triển thị trường KHCN của Việt Nam còn nhiều hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Những nhân sự hoạt động trong lĩnh vực này hầu hết chưa được đào tạo chuyên nghiệp, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn chưa cao, thiếu chuyên sâu. Theo số liệu thống kê từ 40 Sở KH&CN trên cả nước chỉ có tổng số 146 người đang thực hiện công tác phát triển thị trường về KHCN, con số quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế.
Nguyên Giám đốc sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Hải Phòng - Nguyễn Đình Vinh cho biết, hoạt động từ năm 2008 đến nay, sàn Hải Phòng đang là đơn vị duy nhất được được đánh giá hoạt động có hiệu quả, thành công trong các sàn giao dịch công nghệ được nhà nước định hướng thành lập với nguồn đầu tư 100% từ ngân sách. Tuy nhiên với vai trò là Thủ đô, nơi tập trung lớn nhất về số lượng các doanh nghiệp KHCN cũng như giới nghiên cứu, sàn giao dịch công nghệ Hà Nội hoàn toàn đủ khả năng trở thành sàn lớn nhất nước trong lĩnh vực này.
Sàn Hà Nội có thể học hỏi mô hình tổ chức và hoạt động của sàn Thượng Hài (Trung Quốc), bởi đây là địa chỉ được nhiều sàn giao dịch công nghệ trên thế giới tham khảo, ngay ở Việt Nam, sàn Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh cũng hoạt động rất ổn khi học hỏi kinh nghiệm từ phía bạn. Cũng cần lưu ý, nhu cầu chuyển giao công nghệ tại Hà Nội là rất lớn, trên thực tế, chủ yếu lượng khách hàng cần chuyển giao KHCN của sản Hải Phòng là đến từ Hà Nội.
Ông Nguyễn Đình Vinh nhấn mạnh, để sàn hoạt động có hiệu quả và phát triển hiệu được hay không thì con người là yếu tố quan trọng nhất. Đối với lĩnh vực KHCN, nhân sự phát triển thị trường sẽ có yêu cầu đặc biệt hơn so với các lĩnh vực khác, không chỉ cần kiến thức về kinh doanh, pháp luật mà còn phải hiểu biết về KHCN. Do đó, nếu chỉ trả lương cho những nhân sự này tương đương với lương một công chức, viên chức thì sớm muộn họ cũng sẽ nghỉ làm. Bởi một nhân sự đáp ứng được yêu cầu hoàn toàn đủ khả năng làm việc trong những tổ chức tư nhân thay vì chịu ngồi lại ở các sàn giao dịch công nghệ.
Có đồng quan điểm, Phó Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - Phan Tiến Dũng khẳng định, nhân sự là yếu tố sống còn của một sàn giao dịch công nghệ. Hiện tại hầu hết nhân sự của các sàn đều là kiêm nghiệm hoặc chuyển ở bộ phần chuyên môn khác sang do đó đa phần là không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Tuy nhiên việc tuyển nhân sự mới sẽ rất khó khăn nếu như áp dụng mức lương nhà nước.
Các sàn giao dịch công nghệ cần phải coi mình như một doanh nghiệp thay vì là một đơn vị nhà nước, nếu ý thức được điều này, sàn mới có thể phát sinh được doanh thu. Có doanh thu rồi mới có thể tuyển được nhân sự đáp ứng nhu cầu, bởi xét ở mặt bằng chung, nhân sự cho các sàn công nghệ đều là người có khả năng khi vừa am hiểu về kinh doanh lẫn KHCN. Những nhân sự này chắc chắn sẽ không chịu gắn bó với một nơi mang lại thu nhập không đủ sống cho họ, ông Phan Tiến Dũng chia sẻ.