Thử nghiệm mới
Năm nào cũng vậy, vào dịp 1/6 và rằm Trung thu, Liên đoàn Xiếc lại “ăn nên làm ra” với các chương trình đặc sắc dành cho thiếu nhi.
Năm nay, Liên đoàn Xiếc Việt Nam là đơn vị đi đầu trong việc đổi mới và tiếp cận khán giả nhỏ tuổi khi kết hợp với các nhà hát, đơn vị nghệ thuật khác để xây dựng các chương trình: "Tôn Ngộ đại náo thiên cung", "Gala ảo thuật Phương Đông huyền ảo".
Một cảnh trong vở "Cây Khế".
Theo NSND Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam: "Năm nay, xiếc triển khai kết hợp các chương trình với các nhà hát thuộc các loại hình nghệ thuật khác. Chúng tôi muốn tạo những món ăn mới với những thử nghiệm mới, tạo nên sự tương tác giữa các loại hình nghệ thuật.
Về phía chương trình ảo thuật sẽ áp dụng những kỹ thuật sân khấu, ánh sáng hiện đại nhất để tạo nên nhiều pha trình diễn ấn tượng, mới lạ". Ngoài việc tập trung các suất diễn tại Rạp Xiếc T.Ư, Nhà hát Chèo Kim Mã, năm nay, Liên đoàn Xiếc Việt Nam còn "tung quân" đến với thiếu nhi của các tỉnh Thái Nguyên, Sơn La, Hải Phòng...
Gần 10 năm tích cực xây dựng các chương trình thiếu nhi, 1/6 năm nay, Công ty Văn hóa nghệ thuật Đông Đô trình làng một loạt các chương trình mới như: "Nụ cười thiên thần", "Bí mật chuyện kể", "Câu chuyện thiên nga"... Các chương trình được diễn ra tại các tụ điểm thu hút lượng thiếu nhi đến xem đông như: Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Cung Thiếu nhi Hà Nội, Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ và Nhà hát Lớn Hà Nội.
Hai gương mặt "bạn thân" của Công ty nghệ thuật Đông Đô là Xuân Bắc và Tự Long sẽ thực hiện "Bí mật kể chuyện" với nhiều hình thức mới. Ngoài sử dụng năng khiếu diễn hài, trong câu chuyện lần này, các nghệ sĩ còn mang vào chương trình các trò chơi: Vật tay, đu quay. "Với chương trình này, chúng tôi mong muốn khơi dậy sự tự tin, dũng cảm của trẻ. Bên cạnh đó, khuyến khích các em học tốt, biết yêu thương nhau" - nghệ sĩ Xuân Bắc cho biết.
Vẫn làm ăn theo kiểu mùa vụ
Các nhà hát, công ty tổ chức biểu diễn đã "ăn nên làm ra" mỗi dịp 1/6. Một nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ "bật mí", nhiều nghệ sĩ chạy đến hơn 10 sô/ngày. Rạp Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm) không ngừng nghỉ với 1 giờ/suất diễn. Các đơn vị cũng tính đến việc đầu tư nhiều hơn về nghệ thuật cho các chương trình thiếu nhi. Song cũng phải thừa nhận, hầu hết các chương trình này chỉ diễn đúng dịp 1/6.
Bà Hoài Oanh, Giám đốc Công ty Văn hóa nghệ thuật Đông Đô cho biết: "Chúng tôi không dám đầu tư riêng một sân khấu diễn quanh năm cho thiếu nhi. Bởi, hầu hết các phụ huynh của Hà Nội chỉ có thói quen đưa các cháu đi xem nghệ thuật vào dịp Trung thu hoặc 1/6. Nếu dựng lên mà kinh doanh không có lãi khó có thể duy trì lâu dài.
Vì vậy, hầu hết sức lực và trí tuệ được nghệ sĩ dồn vào dựng vở cho 2 mùa vụ lớn nhất trong năm (1/6 và Trung thu). Và chuyện phụ huynh mong muốn cho con có điểm thưởng thức nghệ thuật xả strees dịp cuối tuần vẫn chỉ là mơ ước. Song, điểm mấu chốt vẫn là "cầu" chưa lớn để các đoàn nghệ thuật tung chiêu mở "cung".