Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sân khấu Hà Nội: Lơ mơ về xã hội hóa

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “5 đơn vị sân khấu của Hà Nội là Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà...

Kinhtedothi - “5 đơn vị sân khấu của Hà Nội là Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội sẽ chính thức xã hội hóa vào năm 2020” – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Quốc Chiêm cho biết nội dung dự thảo Đề án xã hội hóa sân khấu Thủ đô.

Thế nhưng, quá nửa các đơn vị này vẫn còn lơ mơ thế nào là xã hội hóa sân khấu.

Đã thử và thấy khó

Trước yêu cầu xã hội hóa sân khấu Thủ đô, hồi đầu tháng 5/2016, Nhà hát Kịch Hà Nội đã "chạy nháp" một chương trình. Vở diễn xã hội hóa theo hình thức Nhà hát hỗ trợ anh em nghệ sĩ vay một khoản tiền để xây dựng kịch mục và nghệ sĩ tự lựa chọn kịch bản, dàn dựng, tổ chức biểu diễn. Chương trình biểu diễn thành công với 15 suất diễn, nhưng khi chia doanh thu lại gặp khó khăn. Nghệ sĩ chỉ trả lại cho nhà hát khoản tiền mà đơn vị cho mượn để dàn dựng, doanh thu còn lại nghệ sĩ chia nhau. Vì chưa có tiền lệ nên việc "hùn vốn" làm kịch của Nhà hát Kịch gặp nhiều khó khăn. Tiền cho vay không có lãi, giá thuê rạp cũng mang tính ưu đãi. NSND Nguyễn Trung Hiếu – Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết: “Cá nhân tôi và nhiều nghệ sĩ vẫn chưa phân biệt 2 khái niệm xã hội hóa và tư nhân hóa. Theo suy nghĩ chủ quan của tôi, xã hội hóa là Nhà nước và Nhân dân cùng làm, tư nhân hóa là những mô hình sân khấu ở TP Hồ Chí Minh như kịch Idecaf, Phú Nhuận, Phước Sang”.
Một cảnh trong vở diễn “Những người con Hà Nội” của Nhà hát Kịch Hà Nội.
Một cảnh trong vở diễn “Những người con Hà Nội” của Nhà hát Kịch Hà Nội.
Phải thừa nhận, trong 5 đơn vị nghệ thuật của Hà Nội, chỉ duy nhất Nhà hát Múa rối Thăng Long quen với xã hội hóa. Với ưu thế của bộ môn được khán giả nước ngoài yêu thích, nên từ năm 2000 đến nay, Nhà hát tự hạch toán thu chi, đạt kỷ lục “Nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm” và doanh thu 35 tỷ đồng năm 2015. Nhà hát Chèo Hà Nội năng động hơn so với cảnh "tối đèn" của Nhà hát Cải lương, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội, song NSND Thúy Mùi – Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội thừa nhận: “Sân khấu Hà Nội ì ạch khi xã hội hóa một phần là vì chúng tôi đang chật vật khi vận hành trong cơ chế thị trường, vì sự chi phối của những chính sách, định hướng, tư duy làm nghệ thuật không thay đổi”.

Hà Nội không bỏ rơi sân khấu

Hà Nội rục rịch xã hội hóa sân khấu khi mô hình này đang ở giai đoạn khó khăn. Những đơn vị đi đầu về xã hội hóa sân khấu ở TP Hồ Chí Minh như sân khấu 5B Võ Văn Tần, sân khấu Idecaf, Kịch Phú Nhuận, Kịch Hồng Vân... cũng đang chật vật. Thời hoàng kim đã qua, gần đây nhiều nhà hát không bán đủ vé để vận hành đêm diễn. Ngay cả những đơn vị nghệ thuật T.Ư "đóng" ở Hà Nội như: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cũng “hoa mắt” với lộ trình tự chủ tài chính mà Bộ VHTT&DL đặt ra.

Theo NSND Thúy Mùi: “Cần có lộ trình để từng bước xã hội hóa. Bên cạnh đó, TP cũng cần có các chính sách đặc thù hỗ trợ sân khấu truyền thống như bảo tồn vốn cổ, chế độ thu hút nghệ sĩ cao tuổi truyền nghề cho lớp trẻ”. NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đề xuất thành lập Quỹ phát triển nghệ thuật sân khấu Thủ đô, huy động từ khán giả, người dân để đầu tư trở lại cho tác phẩm. Càng nhiều tác phẩm hay thì khán giả càng ủng hộ cho Quỹ và càng kích thích nghệ sĩ sáng tạo.

Để trấn an nghệ sĩ Thủ đô, NSND Trần Quốc Chiêm cho biết: “Đối với các đơn vị sân khấu, nhất là sân khấu truyền thống thì việc xã hội hóa không có nghĩa là bị bỏ rơi, phải “tự bơi”. Nhà nước vẫn quản lý, vẫn đặt hàng tác phẩm và có đấu thầu”. Điều này có nghĩa, đến năm 2020, dù các nhà hát có phải tự hạch toán kinh doanh, thì vẫn nhận được hỗ trợ từ Nhà nước, nhưng sẽ là sự đầu tư chất lượng hơn.