Sân khấu phi nghệ thuật
Liveshow "Đôi mắt người xưa" của ca sĩ Quang Lê tung hoành khắp từ Hà Nội, Đà Nẵng đến TP. HCM, hứa hẹn đầu tư hàng tỉ đồng cho thiết kế sân khấu. Khán giả bỏ tiền triệu đi xem không chỉ vì giọng hát của chàng ca sĩ hải ngoại mà còn muốn chiêm ngưỡng một sân khấu lung linh như sân khấu "ngoại". Tuy nhiên, khán giả đã thất vọng với một hệ thống âm thanh thỉnh thoảng lại rú lên như "còi", sân khấu tuềnh toàng với dòng chữ "Đôi mắt người xưa" và một vài clip minh họa đôi khi chẳng ăn nhập gì với ca khúc.
Không chỉ liveshow của Quang Lê, hơn 90% các chương trình ca nhạc hiện nay đều "đuối" về thiết kế sân khấu. Có những chương trình dựng túp lều tranh cùng cầu tre lãng mạn để phục vụ tiết mục biểu diễn nhưng lại chẳng ăn nhập với ca khúc. "Nhiều khi ca khúc nói về một thiếu phụ chờ chồng trong vô vọng, đạo diễn lại xếp vào đó một nhóm múa với đạo cụ là hoa sen, chả liên quan gì" - ca sĩ Ánh Tuyết bày tỏ. Đấy là chưa kể cuộc đua lập kỷ lục sân khấu: Sân khấu kết nhiều hoa hồng trắng nhất, sân khấu nước hoành tráng nhất hoặc là đưa căn nhà kính và tưới mưa trên sân khấu… Tất cả chỉ là yếu tố PR của nghệ sĩ để tạo ấn tượng và "câu khách", nhưng lại phi nghệ thuật.
Một năm có hàng nghìn chương trình ca nhạc diễn ra ở các sân khấu lớn, nhỏ nhưng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay những sân khấu bắt mắt như "Bóng núi" của đạo diễn Phạm Hoài Nam. Dù ở "Bóng núi", Phạm Hoài Nam phô diễn khá nhiều kỹ thuật laze hiện đại, nhưng người ta vẫn thấy một kết cấu sân khấu hợp lý, thể hiện được cái hồn trong âm nhạc của người nhạc sĩ và của chương trình.
"Bắt bệnh" đạo diễn
Đạo diễn sân khấu âm nhạc không thiếu, nhưng điểm mặt từ anh tài cho đến những tên tuổi nhàng nhàng cũng không thấy ai được đào tạo bài bàn về chuyên ngành này. Cố đạo diễn Huỳnh Phúc Điền tốt nghiệp khoa diễn viên, Phạm Hoàng Nam chuyên về quay phim, Trần Vi Mỹ vốn là một... nhân viên ngân hàng, Minh Vy - đạo diễn cho những liveshow của Cẩm Ly, cũng xuất thân từ phòng thu, Nguyễn Quang Dũng - tạo được dấu ấn với một vài chương trình như "Duyên dáng Việt Nam", cũng là dân điện ảnh; hay như Kỳ Phương với nhiều chương trình mang tính sự kiện, lâu lâu mới có một chương trình thuần ca nhạc như "Biển tình" của Đàm Vĩnh Hưng tại Tuần Châu mới đây...
Chính vì không được đào tạo bài bản nên nhiều chương trình dù do những đạo diễn tên tuổi đảm nhiệm vẫn chới với và thiếu độ sâu về cảm xúc. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng được xem là người nắm bắt khá nhạy nhu cầu của thị trường giải trí, nên có những "chiêu" đắt. Song, bước vào những chương trình chuyên sâu về âm nhạc, Quang Dũng bắt đầu lộ điểm yếu. Chương trình kỷ niệm 10 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn là một ví dụ. Hay chương trình "Bước chân miền Trung" mới đây được bàn tay của Trần Vi My "chăm sóc", nếu đặt từng tiết mục riêng biệt thì đạt hiệu ứng, còn xét về tổng thể thì không bật lên được ý đồ ban đầu.
Đã có những gương mặt tạo dấu ấn, nhưng để được gọi là bài bản, chuyên nghiệp thì chưa, là nhận định về đạo diễn ca nhạc hiện nay. "Tất cả những chương trình của mình, tôi đều tự dàn dựng. Tôi tự làm không phải vì kinh phí mà do không thấy đạo diễn nào hiểu được ý đồ của mình. Đạo diễn hay phải là người hiểu được chương trình, hiểu được âm nhạc của ca sĩ, dàn dựng sao để âm nhạc của họ tạo được một cảm xúc cao nhất", ca sĩ Ánh Tuyết cho biết. Vai trò của đạo diễn trong các chương trình ca nhạc nhạt nhòa là vậy, một phần bởi tình trạng "nhà nhà làm đạo diễn, người người làm đạo diễn" và không học gì cũng là đạo diễn âm nhạc. Thế mới biết vì sao bao nhiêu năm nay các show nhạc Việt cứ thừa lượng, nhưng thiếu chất.