Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt tại hội nghị tổng kết công tác quản lý chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản năm 2015 do Sở NN& PTNT tổ chức ngày 4/1.
Kết quả khiêm tốn
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, trong năm 2015, các đơn vị chức năng của sở đã thực hiện quyết liệt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về chất lượng VTNN và ATTP trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản, thủy sản, phân bón, thuốc thú y, thuốc BVTV và chất cấm trong sản xuất nông nghiệp. Sở đã giám sát chất lượng của 2.270 mẫu nông lâm thủy sản (rau, thịt, chè, cà phê, gạo, sữa). Kết quả, có 118/2.236 mẫu có tỷ lệ vượt mức giới hạn tối đa các chỉ tiêu ATTP cho phép, giảm 13% so với năm 2014. Đáng chú ý, qua kiểm tra đã phát hiện 16 mẫu thịt có Salbutamol, tuy nhiên chỉ có 1 mẫu dương tính. Về giám sát VTNN, Sở cũng tiến hành lấy 83 mẫu nước sinh hoạt, 168 mẫu thức ăn chăn nuôi kiểm tra về chỉ tiêu chất lượng và chất cấm trong thức ăn chăn nuôi. Kết quả 100% mẫu đạt yêu cầu. Ngoài ra, trong quá trình lấy mẫu giám sát, kết quả phân tích đa dư lượng (thuốc BVTV, kháng sinh) phát hiện một số hoạt chất khác trên một số mẫu rau và thịt. Tuy nhiên các dư lượng đều chưa vượt mức cho phép theo quy định.
Thực tế cho thấy, các trường hợp vi phạm về chất lượng VTNN và ATTP đã giảm đáng kể so với năm 2014 song tỷ lệ vi phạm vẫn ở mức cao. Ông Trần Mạnh Giang – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho biết, đối với các cơ sở vi phạm lần đầu, chi cục đã tiến hành nhắc nhở, phạt cảnh cáo và yêu cầu khắc phục. Tuy nhiên, các trường hợp vi phạm vẫn xảy ra nhiều tại các huyện ngoại thành. Nguyên nhân chính là do có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ mùa vụ, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ xen kẽ trong khu dân cư gây khó khăn cho việc kiểm soát. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ngô Đại Ngọc thẳng thắn nhìn nhận, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong việc xử lý vi phạm dẫn đến báo cáo cũng rất sơ sài, thậm chí không đúng quy định. Thêm vào đó, địa bàn quản lý rộng, trình độ quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ còn hạn chế, đặc biệt là cán bộ cấp xã, phường, thị trấn còn thiếu, yếu. Mặt khác, tại các quận, huyện nhân lực được phân công theo dõi về chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản đều kiêm nhiệm hoặc thiếu cán bộ chuyên trách có chuyên môn phù hợp mà chủ yếu phụ thuộc vào cán bộ thú y, bảo vệ thực vật nên công tác triển khai còn chậm. Do đó, TP cần bổ sung biên chế về lĩnh vực quản lý chất lượng VTNN và ATTP.
Trọng tâm là tuyên truyền và xử lý vi phạm
Nhiều chuyên gia nông nghiệp đánh giá, các văn bản quản lý hiện còn không ít bất cập. Chẳng hạn như, tiêu chí đánh giá, phân loại cơ sở kinh doanh thuốc thú y tương tự tiêu chí đánh giá để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y theo quy định tại Thông tư 51/2009/TT–BNN của Bộ NN&PTNT song việc xếp loại lại khác nhau. Đó là chưa kể, danh mục thức ăn chăn nuôi chưa được các cơ quan quản lý cập nhật, bổ sung thường xuyên. Đáng chú ý, hiện nay chưa có quy định nào về xác nhận nguồn gốc thủy sản và sản phẩm thủy sản cụ thể về mẫu giấy chứng nhận. Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục QLCL nông lâm thủy sản – Bộ NN&PTNT nhận định, không chỉ có Hà Nội mà tại nhiều địa phương việc kiểm tra định kỳ duy trì điều kiện đảm bảo chất lượng, ATTP đối với cơ sở SXKD VTNN, sản phẩm nông lâm thủy sản chưa được chú trọng, chưa đúng tần suất theo quy định do thiếu kinh phí và nhân lực.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho rằng, Việt Nam gia nhập TPP cũng đồng nghĩa với việc ngành nông nghiệp Thủ đô phải đối mặt với thách thức: Sản phẩm không đảm bảo an toàn sẽ không thể cạnh tranh. Phó Chủ tịch yêu cầu, Sở NN&PTNT khẩn trương rà soát quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung và xây dựng các chuỗi chế biến - tiêu thụ nông sản an toàn. Trong đó, đề cao việc hợp tác, liên kết giữa DN với nông dân. Đồng thời, chú trọng thông tin, hướng dẫn cho người sản xuất các quy trình sản xuất an toàn và ý thức tự giác sản xuất an toàn. Theo Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt, toàn TP hiện có hơn 900 cán bộ bảo vệ thực vật, thú y tại các xã, thị trấn thì lực lượng này chính là những tuyên truyền viên có trách nhiệm cao trong công tác đảm bảo ATTP tại các địa phương.
Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với các ban, ngành của TP thông tin kịp thời, chính xác cho người tiêu dùng về sản phẩm an toàn, cơ sở DN đủ điều kiện, cách lựa chọn sản phẩm an toàn. Thông qua hoạt động tuyên truyền này để người tiêu dùng tẩy chay các sản phẩm không đảm bảo VSATTP... Trước mắt và kể cả về lâu dài cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định song song với việc kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm nhập khẩu vào địa bàn Hà Nội. Phó Chủ tịch cũng đề nghị Bộ NN&PTNT rà soát lại chính sách và sớm xây dựng cơ chế hỗ trợ riêng cho sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn. Cùng với đó, Bộ tiếp tục hỗ trợ Hà Nội về công tác đào tạo chuyên môn cho cán bộ quản lý. Tăng cường thông tin tuyên truyền về sản phẩm an toàn cũng như tác hại của sản phẩm không an toàn từ T.Ư đến địa phương một cách hiệu quả, đồng bộ. Các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu về chế tài xử phạt, trong đó tập trung xử phạt nặng hơn nữa đối với các trường hợp vi phạm qui định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh VTNN và VSATTP.
Nhân dịp này, Bộ NN&PTNT đã trao thưởng cho 3 tập thể và 5 cá nhân; Sở NN&PTNT trao thưởng cho 17 tập thể và 17 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý chất lượng VTNN và ATTP nông lâm thủy sản năm 2015.
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác VSATTP tại một siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
|
"ATTP là một trong những vấn đề nhức nhối nhất hiện nay và được cả xã hội quan tâm. Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới đông đảo cán bộ, người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, để hạn chế các vi phạm về ATTP bên cạnh việc quyết liệt kiểm tra và xử phạt thật nặng các trường hợp vi phạm, TP cần bổ sung về mặt nhân lực cho các lực lượng: Thanh tra, Thú y, Quản lý thị trường... Như vậy, công tác phối hợp kiểm tra mới đảm bảo thường xuyên, liên tục và đạt hiệu quả cao".
Trung tá Nguyễn Văn Hiển Đội trưởng Đội 3 - Phòng Cảnh sát Môi trường Công an TP Hà Nội
|