Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sản phẩm sạch của “nông dân công nghệ cao”

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi chúng tôi tới thăm, ông đang ở ngoài đồng với đôi chân trần, quần ống thấp ống cao đôn đốc công nhân san gạt đất xây dựng hệ thống xử lý chất thải.

Ông là Nguyễn Trọng Long (SN 1964) - Giám đốc HTX Hoàng Long, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai - một trong 9 người vừa được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”.
Mong muốn sản xuất sạch
Thấy có khách, ông Long dừng tay, gạt mồ hôi và bảo, HTX đang tiến hành nâng cấp toàn bộ hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi. Để bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, khu xử lý được bố trí cách xa và được ngăn với khu chuồng trại bởi một bức tường cao hơn 2m. Theo ông Long, nước thải chuồng trại và sau giết mổ sẽ được dẫn vào đường ống tới bể thu gom. Tại đây, trên 75% phân đặc sẽ được tách khỏi dòng thải và phơi khô để ủ thành phân vi sinh bón cho cây trồng. Phần nước thải còn lại sẽ được dẫn vào hệ thống khí sinh học biogas tạo khí đốt, rồi qua bể lọc với thạch anh, cát vàng, than hoạt tính trước khi được bơm sục khí ôxi và dẫn xuống ao phục vụ nuôi trồng thủy sản.
 Trại lợn của HTX Hoàng Long.
Hiện nay, HTX Hoàng Long đang nuôi khoảng 3.500 lợn thịt và trên 400 lợn nái. Trung bình mỗi tháng, HTX cung ứng cho thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận trên 1.000 tấn thịt lợn thương phẩm, cùng khoảng 1.000 con lợn giống. HTX đã tự chủ được nguồn giống
“HTX Hoàng Long được xem là một trong những điểm sáng về phát triển mô hình HTX kiểu mới mang lại giá trị kinh tế cao, bền vững. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các HTX với mục tiêu là nhân rộng những mô hình nông nghiệp an toàn, có hiệu quả và tính bền vững cao…” - ông Nguyễn Tiến Phong - Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội.
lợn và tự phối trộn, chế biến khoảng 95% lượng thức ăn sinh học cho chăn nuôi. Nguồn nước cho lợn uống là nước giếng khoan đã qua 2 lần lọc.Nhờ doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, HTX mang lại công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Ông Long cho biết, đơn vị đã xây dựng và đăng ký thành công nhãn hiệu “Thực phẩm sạch A - Z”. Thời gian tới, khi hệ thống xử lý chất thải được đưa vào vận hành, sẽ tạo nên một quy trình khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ thực phẩm sạch. 
Lựa chọn của “nông dân chính hiệu”
Để có được cơ ngơi như hôm nay, mãi năm 1992, khi đã gần 40 tuổi ông Long mới bắt tay vào thực hiện.Việc sản xuất lúa tập trung của ông mang lại giá trị kinh tế cao hơn canh tác nhỏ lẻ, nhưng vẫn thấp nếu xét trên khía cạnh kinh tế nông nghiệp. Sau một vài lần đi tham quan mô hình chăn nuôi lớn ở thị xã Sơn Tây và các tỉnh Hải Dương, Thái Bình… trở về, ông Long luôn trăn trở: “Quê hương đất đai rộng lớn như vậy mà không thể phát triển được những mô hình chăn nuôi thu nhập cao thì quá lãng phí”. Nghĩ là làm, cuối năm 2007, ông Long quy tụ 5 người bạn có cùng chí hướng quyết tâm xây dựng một trang trại chăn nuôi tập trung. Quyết định bỏ lúa chuyển sang chăn nuôi của ông Long khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, bởi việc sản xuất lúa đã dần đi vào ổn định và đang mang lại giá trị kinh tế khá. 
Khó khăn lớn nhất đối với mục tiêu xây dựng mô hình HTX kiểu mới là kiến thức. Để làm được, ông Long và các bạn đã phân công nhau đi học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu giống Thụy Phương, Viện Đại học Mở Hà Nội... mỗi người một chuyên môn. Ngoài ra, các ông thường đi thăm, học tập kinh nghiệm các mô hình trang trại chăn nuôi lớn ở các tỉnh, TP Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên… Sau một thời gian tích lũy kiến thức, ông Long và các bạn bắt tay vào xây dựng trang trại trên cơ sở đúc rút những ưu điểm từ các mô hình đã qua thực tế. Với diện tích trên 22.000m2, hạ tầng không ngừng được nâng cấp đồng bộ, hiện đại sau gần 10 năm, đến nay, tổng số vốn HTX Hoàng Long đã đầu tư phát triển là trên 50 tỷ đồng.
Một điều được ông Long tâm đắc nhắc đi nhắc lại trong câu chuyện với chúng tôi là sự tin tưởng của người dân địa phương. Theo đó, trong giai đoạn HTX mới đi vào hoạt động, dù sản phẩm chưa có thương hiệu nhưng vẫn được đông đảo người dân xã Tân Ước nói riêng, huyện Thanh Oai nói chung tin dùng. Cũng nhờ vậy mà thịt lợn của HTX làm ra không bao giờ lo ế. Đó cũng là tiền đề để HTX có thể trụ vững và phát triển cho tới ngày hôm nay. Mục tiêu lớn nhất của Hoàng Long là cung ứng cho thị trường những thực phẩm có lợi nhất đối với sức khỏe người tiêu dùng. Khi chia tay, ông Long khoe: “Tháng 11 tới đây, các bạn có thể tới 2 cửa hàng Thực phẩm sạch A - Z ở Thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai) và Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai) để dùng thử sản phẩm thịt lợn sạch của HTX”.