Hà Nội sẵn sàng các điều kiện vận hành mô hình chính quyền đô thị

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/7, TP Hà Nội sẽ chính thức thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội tại các phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Đến nay, TP đã chuẩn bị cơ bản đầy đủ các điều kiện để vận hành mô hình này.

Công chức bộ phận Một cửa UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính cho công dân.
Bảo đảm hoạt động ổn định từ ngày 1/7
Ngay sau khi Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết 97/2019/QH14 về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội”, Thành ủy đã ban hành Kế hoạch 171-KH/TU ngày 31/12/2019 về thực hiện Nghị quyết này nhằm phân công nhiệm vụ cụ thể các cấp, ngành, chuẩn bị tốt cho việc triển khai thí điểm. Trên cơ sở chỉ đạo thống nhất của Thành ủy, các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị đã chủ động chuẩn bị đầy đủ điều kiện, xây dựng kế hoạch, phân công triển khai các công việc chi tiết. Trong đó, các sở, ban, ngành, quận, thị xã đã rà soát, đánh giá hiện trạng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) phường; đóng góp xây dựng các nội dung tổ chức, cơ chế hoạt động, tài chính ngân sách… cho phường khi thực hiện thí điểm.

Cùng với việc ban hành các văn bản triển khai thực hiện, UBND TP đã giao Sở KH&ĐT phối hợp các sở, ngành, UBND các quận và thị xã Sơn Tây rà soát, đánh giá hiệu quả những quy định về phân cấp giữa TP với quận, huyện, thị xã hiện hành; đánh giá mức phù hợp; xác định khó khăn nếu thực hiện chính quyền đô thị. Trên cơ sở đó, UBND TP sẽ nghiên cứu tiếp tục ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp của UBND TP với UBND quận, thị xã và UBND phường trong điều kiện thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị cho hiệu quả nhất.

Trước vấn đề dư luận quan tâm là khi tại các quận và thị xã Sơn Tây không còn HĐND phường thì thực hành quyền dân chủ, giám sát của Nhân dân thông qua các hình thức nào, đại diện Sở Nội vụ cho biết, khi đó quyền dân chủ và giám sát của Nhân dân vẫn được bảo đảm và còn được tăng cường bằng hình thức trực tiếp của Nhân dân hoặc gián tiếp qua các tổ chức, đoàn thể khác ở địa phương. Cụ thể, tổ chức Đảng ở địa phương, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội (CT - XH) và trực tiếp người dân sẽ giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật tại địa phương; HĐND quận giám sát UBND phường thực hiện nhiệm vụ mà HĐND, UBND quận giao thông qua hoạt động giám sát của đại biểu HĐND quận; việc tiếp nhận kiến nghị cử tri do Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH phường tập hợp, báo cáo cơ quan thẩm quyền giải quyết... Mỗi năm tối thiểu 2 lần trước kỳ họp thường kỳ HĐND quận, Chủ tịch UBND phường có trách nhiệm đối thoại công dân phường về những vấn đề liên quan quyền lợi chính đáng của họ.

Về ý kiến mong sớm có hướng dẫn cụ thể trong thực hiện quy định về cán bộ để CBCC phường yên tâm công tác, đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách ở phường thuộc tổ chức Đảng, MTTQ và các tổ chức CT - XH ở phường khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, TP đã báo cáo Ban Tổ chức T.Ư để có hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện.

Các địa phương chủ động, sẵn sàng

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ) Bùi Đình Thái cho biết, từ TP, Sở Nội vụ đến các quận và thị xã Sơn Tây, các phường trực thuộc đã và đang thực hiện các bước triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo đúng quy trình, quy định tại Kế hoạch 100/KH-UBND của TP. Các đơn vị, cấp ủy, chính quyền từ quận, thị xã đến các phường đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể của địa phương, đến thời điểm này không phản ánh khó khăn, vướng mắc gì.

Ngay sau khi Thành ủy ban hành Kế hoạch 171-KH/TU về thực hiện Nghị quyết 97/2019/QH14, Ban Thường vụ Quận ủy Long Biên đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo UBND quận xây dựng kế hoạch về thực hiện. Đặc biệt, quận đã ban hành kế hoạch ngày 22/3/2021 về triển khai thực hiện Nghị định 32/2021/NĐ-CP để kịp thời chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể các cấp, ngành, chuẩn bị tốt cho triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn. Trên cơ sở chỉ đạo của Quận ủy, UBND quận, Đảng ủy, UBND các phường đã chủ động phối hợp phòng, ban, đơn vị thuộc quận chuẩn bị đầy đủ các điều kiện.

Cụ thể, quận đã rà soát, đề xuất TP các nội dung, nhiệm vụ, phân cấp, ủy quyền cho UBND quận; nghiên cứu dự kiến ủy quyền của quận đối với UBND các phường; hướng dẫn UBND phường rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy; sắp xếp chủ tịch, phó chủ tịch HĐND phường; thực hiện tiếp nhận vào công chức không qua thi tuyển với trường hợp là chủ tịch, phó chủ tịch HĐND phường, cán bộ chuyên trách đoàn thể phường, viên chức ĐVSN thành công chức phường. Cùng đó, đã thực hiện quy trình nhân sự với các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường; đề xuất Sở Nội vụ xem xét, thẩm định bổ nhiệm thực hiện quy trình bổ nhiệm công chức cấp xã thành công chức phường thuộc UBND quận quản lý, bổ nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường; xây dựng quy chế hoạt động UBND phường; tổ chức tuyên truyền mô hình chính quyền đô thị… “Đến nay, chúng tôi đã chuẩn bị cơ bản đầy đủ các điều kiện để vận hành mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1/7” - Trưởng Phòng Nội vụ quận Nguyễn Thị Thu Hằng khẳng định.

Tại quận Đống Đa, hiện đã hoàn thành các bước triển khai theo đúng quy định tại cả 21 phường. Phó Trưởng Phòng Nội vụ quận Vũ Trà Vinh cho biết, quận đã thỏa thuận xong với Sở Nội vụ và trong tháng 6 này sẽ ban hành quyết định chuyển đổi công chức cấp phường thành công chức UBND quận quản lý. Thực hiện quy trình nhân sự, căn cứ hướng dẫn của Thành ủy, UBND quận đã báo cáo Thường trực Quận ủy về việc bổ nhiệm lại các chức danh chủ tịch và phó Chủ tịch UBND phường, đang chờ thông báo của Thường vụ Quận ủy. Đến thời điểm này 21 phường đều cơ bản triển khai xong các bước chuẩn bị, không có khó khăn lớn, chỉ chờ quyết định chuyển đổi này và thực hiện các bước theo đúng hướng dẫn.

Dù vậy, theo bà Vũ Trà Vinh, thuận lợi cho chính quyền khi tổ chức mô hình chính quyền đô thị là chuyển được công chức phường sang công chức quận quản lý, nhưng quan trọng là các địa phương vẫn đang đợi ban hành quy chế phối hợp làm việc của UBND phường. Trong đó, có chút băn khoăn vì cơ cấu của UBND phường có Trưởng Công an phường nhưng Công an phường lại có biên chế thuộc “ngành dọc” Công an TP, nên việc quản lý điều hành của chính quyền phường với lực lượng này cần sớm được hướng dẫn. Cùng đó, việc ủy quyền cho cán bộ tư pháp ký thay Chủ tịch UBND phường với những hồ sơ mảng chứng thực và việc thực hiện tài chính của phường cũng mong sớm có hướng dẫn cụ thể, vì khi triển khai chính quyền đô thị thì UBND phường đã trở thành một cấp ngân sách (tương đương phòng/ban thuộc quận).
Thực hiện Nghị định 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết 97/2019/QH14, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 100/KH-UBND ngày 12/4/2021 về triển khai thực hiện Nghị định 32/2021/NĐ-CP, trong đó phân công công việc tới các cơ quan, đơn vị. Ngày 22/4/2021, UBND TP tiếp tục ban hành Văn bản 1184/UBND-NC hướng dẫn nội dung Chủ tịch UBND phường ủy quyền công chức giữ chức danh tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu UBND phường đối với các giấy tờ, văn bản theo Nghị định 32/2021/NĐ-CP. Hiện, UBND TP đang hoàn thiện để ra quy chế làm việc mẫu của UBND phường khi thí điểm tổ chức chính quyền đô thị; ban hành hướng dẫn UBND quận, thị xã, UBND phường thực hiện các quy định về tài chính - ngân sách khi thí điểm mô hình này, bảo đảm đủ điều kiện cho các phường hoạt động ổn định từ 1/7/2021.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần