Sẵn sàng đến vùng tâm dịch

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu mới nhất, Việt Nam đã có hơn 4.200 người mắc Covid-19. Riêng từ ngày ngày 27/4 đến nay, cả nước có hơn 1.000 ca mắc mới, trong đó Bắc Giang và Bắc Ninh đang là 2 địa phương có số ca bệnh nhiều nhất.

Đã có một bệnh nhân tử vong trong đợt dịch này. Với việc có hơn 330 ca bệnh tại 3 ổ dịch lớn xuất hiện, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành quyết định về việc giãn cách xã hội 4 huyện: Việt Yên, Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng để phòng, chống dịch Covid-19 kể từ 0 giờ ngày 17/5/2021.
Là người trực tiếp kiểm tra thực tế tại Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định tình hình dịch ở đây vẫn rất phức tạp, khó lường, còn nguy cơ lây nhiễm trong các khu cách ly, nhất là khi Bắc Giang chưa có kinh nghiệm phòng chống dịch trong khu công nghiệp (KCN). Năng lực xét nghiệm của địa phương chỉ đạt 10.000 mẫu/ngày đêm, dù mới được bổ sung thêm được khoảng 10.000 mẫu nữa thì vẫn gặp khó khăn khi cần làm xét nghiệm diện rộng với 200.000 mẫu.

Ngay lập tức, Bộ Y tế đã thành lập đoàn thường trực gồm các chuyên gia đầu ngành về dịch tễ, truy vết, điều trị... và lực lượng lấy mẫu xét nghiệm để hỗ trợ Bắc Giang. Bộ Y tế đã điều động 200 sinh viên Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, Trường Đại học Y Hà Nội đã gọi điện sẵn sàng hỗ trợ Bắc Giang. Các học viên năm cuối của Học viện Quân y đã lên đường đến Bắc Giang tối 16/5 để tham gia lấy mẫu xét nghiệm. Bộ Công an cũng đã tăng cường lực lượng CSCĐ cho tỉnh để lập các chốt gác, cách ly theo yêu cầu…

Cũng trong chiều 16/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh - Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội cũng đã dự lễ xuất quân Đoàn công tác gồm 20 chuyên gia dày dạn kinh nghiệm lên đường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang. Cùng với đó, Hà Nội sẽ giúp Bắc Giang lập kế hoạch chi tiết, cụ thể ngay từ đầu cho phương án cách ly. Kinh nghiệm chống dịch của Hà Nội cho thấy nếu không có kế hoạch ngay từ đầu khi thực hiện cách ly đông và tập trung sẽ rất lúng túng.

Điểm khác biệt nữa là tại các KCN ở Bắc Giang, đang có nhiều DN lớn, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh. Trong các cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 T.Ư thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo từng nhấn mạnh: “Các KCN tập trung là nơi nhạy cảm, đông người, ảnh hưởng trực tiếp đến sức sản xuất của cả đất nước, vì vậy, chúng ta phải kiểm soát bằng được các ổ dịch trong KCN ở Bắc Ninh, Bắc Giang, không được để lan ra các KCN khác trong hai tỉnh này, kể cả toàn quốc”. Chính vì thế nếu vội quyết định đóng cửa các KCN sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kép của địa phương vì thời gian khởi động lại sẽ vô cùng khó khăn. Và để giải quyết các vấn đề nóng tại chỗ, tỉnh cũng đã kích hoạt bệnh viện dã chiến số 2 với 70 giường bệnh và xây dựng các phương án dự phòng.

Cách một chiếc cầu, Bắc Ninh cũng đã thực hiện xét nghiệm diện rộng cho công nhân ở các KCN và những trường hợp tạm trú, nhà trọ, ký túc xá trên địa bàn. Tỉnh cũng chuẩn bị sẵn sàng 2 bệnh viện dã chiến, 2 khu điều trị khoảng 600 giường bệnh và cố gắng chuẩn bị đủ cơ số là 1.500 giường.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên... số ca mắc lại tăng mạnh tại Bắc Giang (nơi có nhiều KCN đông lao động) và Điện Biên (tại trường dân tộc nội trú có đông học sinh). Bắc Giang, Điện Biên lâm nguy thì các tỉnh, thành khác cũng không thể yên ổn, cả nước đang vì 2 địa phương này. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng không được phép chủ quan, khinh suất phải từng phút, từng giờ tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế bởi Covid-19 không chừa một ai.

A.T

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần