Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

San sẻ nguy cơ và lợi ích

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trải qua một năm đầy áp lực từ các cuộc khủng hoảng địa chính trị, nguy cơ của cuộc chiến tiền tệ, các chuyên gia nhận định, triển vọng của kinh tế thế giới là tương đối khả quan trong năm 2015.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định tài chính toàn cầu sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra giải pháp để dung hòa sự khác biệt quá lớn của một nền kinh tế đa tốc độ. Theo đó, vị trí đầu tàu tăng trưởng toàn cầu vẫn là Mỹ nhờ sức bật từ các chỉ số kinh tế chủ chốt được cải thiện từ nửa cuối năm 2014. Trung Quốc sẽ dẫn đầu nhóm nước có tốc độ tăng trưởng sau Mỹ. Tuy tốc độ tăng GDP có thể sẽ thấp hơn so với mức trung bình của những năm gần đây nhưng đây là cơ hội vàng để Trung Quốc tái cấu trúc nền kinh tế nhằm hướng tới một mô hình tăng trưởng bền vững hơn. Dựa trên các chính sách được thực hiện trong những tháng cuối của năm 2014 như giảm lãi suất, điều chỉnh tỷ giá, 2015 được dự báo là năm Bắc Kinh sẽ tìm cách giải quyết triệt để nợ xấu và "xì hơi" cho bong bóng bất động sản.

Nhóm thứ ba dẫn đầu là châu Âu sẽ tiếp tục phải đương đầu với một cuộc chiến cam go được tạo ra bởi sự trì trệ của nền kinh tế và mâu thuẫn nội tại của một số quốc gia, nhất là các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Cuối cùng là nhóm có tốc độ tăng trưởng khó dự báo nhất được đại diện bởi Nga và Brazil. Đây đều là những nền kinh tế có quy mô lớn nhưng đang đứng trước những rủi ro lớn chưa từng có do giá dầu giảm và nguy cơ của cơ cấu kinh tế.

Dung hòa được một nền kinh tế đa tốc độ không phải là nguy cơ duy nhất do sự thiếu phối hợp trong điều hành của các ngân hàng T.Ư, đặc biệt là của những định chế tài chính quan trọng. Theo kế  hoạch, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ ngừng toàn bộ chương trình nới lỏng định lượng QE3 và có thể bắt đầu tăng lãi suất trong quý III/2015. Ngược lại, Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) sẽ theo đuổi một phiên bản riêng của chính sách nới lỏng định lượng được dự báo sẽ ra mắt vào quý I/2015 nhằm kích thích tăng trưởng. Ngân hàng T.Ư Nhật Bản (BOJ) sẽ duy trì cách tiếp cận đã thực hiện trong suốt năm 2014 là “bơm” tiền vào thị trường để thoát khỏi tình trạng suy thoái.

Phân hóa dù theo quy mô và hình thức nào đi nữa cũng sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế toàn cầu. Nguy cơ này không chỉ lớn đối với những nền kinh tế có "sức đề kháng" kém như các nước nghèo, các nước đang phát triển mà còn hiện hữu với cả các nền kinh tế quá lớn để sụp đổ như EU, Nhật Bản. Cộng đồng, trách nhiệm, san sẻ cả nguy cơ lẫn lợi ích giữa các định chế tài chính là cách duy nhất để kinh tế toàn cầu vượt qua khó khăn. May mắn là, theo ông Mohamed A. El-Erian, sự phân hóa trong năm 2015 không dẫn đến đình trệ kinh tế và tài chính do hầu hết các chính phủ, đặc biệt là ở châu Âu, Nhật Bản và Mỹ có đủ quyết tâm và những công cụ cần thiết để xoa dịu sự căng thẳng trong chính sách điều hành.