Nếu trước đây, người ta quan tâm nhiều đến trị giá của tiền mừng tuổi thì nay, những món lì xì độc đáo lại được những người trẻ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để mua.
Lì xì biết bao nhiêu cho đủ
Theo Nhật Anh (sinh viên năm thứ 2 – khoa cơ khí – Đại học Bách Khoa Hà Nội), tặng tiền cổ Việt Nam đầu năm không chỉ là để lấy may, đồng tiền đi liền với lịch sử, vì vậy vào ngày Tết cổ truyền, lì xì tiền Việt cũng là cách để biết lịch sử - văn hóa của cha ông ta.
“Bây giờ biết lì xì bao nhiêu cho đủ, hơn nữa tiền mừng tuổi đầu năm là để lấy may, nhưng ít ai có thể giữ được tiền đó mà không tiêu. Vì vậy, mừng tuổi tiền cổ là một món quà tinh thần có ý nghĩa”, Nhật Anh chia sẻ.
Giống như Nhật Anh, Thu Hà (nhân viên kế toán công ty xây dựng Techconvina) cũng thường sưu tập những đồng tiền cổ để tặng người thân.
Theo kinh nghiệm của Hà, muốn có được những đồng tiền Việt vừa cổ vừa mới, thì phải săn hàng trong cả năm vì dịp gần Tết nhiều người cũng có nhu cầu mua loại tiền này nên hàng khan hiếm hơn và ít tiền đẹp.
Hà thích tặng tiền Việt cổ cho người thân vì “Tặng tiền polyme thì cần nhét vào phong bao lì xì là xong và tiền càng lớn thì người nhận sẽ càng nhanh chóng tiêu. Tặng tiền Việt cổ thể hiện được tình cảm của mình vì phải mất công tìm mua, bọc bằng túi nilon kính để có thể giữ tiền mới được lâu, sau đó mới cho vào bao lì xì đem tặng. Lì xì tiền này vì không tiêu được nên người nhận sẽ giữ lại làm kỷ niệm và nhớ đến mình”.
Tuy giá trị thực tế của mỗi đồng tiền Việt cổ không lớn, nhưng với những loại tiền Đông Dương hoặc tiền được phát hành nhưng chưa được lưu thông thì giá mua lại ở trên trời. Vì vậy, sở hữu những loại tiền này cũng là một cách để thể hiện đẳng cấp của mình. Và khi đem tặng, nó thể hiện được người nhận có vị trí quan trọng như thế nào với người nhận.
Mặt khác, một số tờ tiền có in hình các vị vua (Quang Trung – Nguyễn Huệ) hay một số linh vật như phượng, rồng, hổ, nên về mặt tâm linh nó mang ý nghĩa linh thiêng, may mắn dồi dào cho một năm mới.
Làm tiền giả thì chỉ có lỗ
Theo lời giới thiệu của Nhật Anh, tôi tìm đến anh Tuấn, một người sở hữu khá nhiều tiền Việt cổ ở Hà Nội. Theo anh Tuấn, mỗi tờ tiền có một giá bán khác nhau tùy thuộc vào thời điểm phát hành, số seri, mới hay cũ, hình in chìm hay in nổi, mệnh giá tiền.
Đối với những tờ tiền Đông Dương thường có giá cao vì đây là loại tiền đồng phần lớn được lưu hành trong giới địa chủ giàu có nên số lượng rất ít, giá thường là 100 nghìn đồng/tờ (tiền cũ) và khoảng 200 – 250 nghìn đồng/tờ (tiền mới).
Trị giá của tiền không chỉ phụ thuộc vào thời gian phát hành mà quan trọng hơn là thời điểm phát điểm phát hành. Có những loại tiền được sản xuất từ năm 1953, 1955 nhưng lại chỉ có giá từ 20.000 – 40.000 đồng/tờ, nhưng tiền phát hành năm 1975 thì lại có giá cao ngất ngưởng lên đến 1 triệu đồng/tờ vì đây là loại tiền do Chính phủ Ngụy quyền Sài Gòn phát hành nhưng chưa kịp lưu hành thì đã bị quân giải phóng lật đổ và thay bằng loại tiền mới.
Theo anh Tuấn, cứ vào dịp cuối năm số lượng khách hàng tìm đến mua rất đông, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây. Năm nay, mặc dù chưa đến Tết Nguyên đán nhưng anh Tuấn đã bán được hàng trăm tờ tiền Việt cổ.
“Ngày trước tôi chỉ chơi tiền Việt cổ cho vui, nhưng thấy ngày càng có nhiều người quan tâm đến loại tiền này nên tôi mới lấy về bán. Kinh doanh loại tiền này khá lãi, mỗi tờ tiền có thể ăn gấp 5, gấp 10 lần giá trị mua vào nhưng quan trọng là phải có mối”.
Anh Tuấn tiết lộ, sở dĩ anh sở hữu nhiều tiền Việt cổ và sẵn sàng bán cho khách với giá rẻ vì anh có nhiều mối lớn ở cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Phần lớn lượng tiền mà anh có đều là từ ngân hàng ra. Theo anh, cứ vài chục năm, những loại tiền cũ, rách nát lại được ngân hàng đóng bao để đem đi đốt. Tuy nhiên, nếu mình có mối thì sẽ mua lại với giá rẻ và lọc ra những tờ tiền còn mới.
“Em muốn mua bao nhiêu cũng có, mua nhiều sẽ được giảm giá, nếu từ 100 tờ trở lên sẽ được giảm hẳn 50%”, anh Tuấn mời chào.
Thấy tôi băn khoăn về tính thật giả của tờ tiền, anh Tuấn khẳng định: “Nếu em phát hiện tiền giả thì mang lại đây anh đền tiền gấp ba”.