Sản xuất giống cây trồng: Khâu yếu của ngành nông nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thị trường giống bị thả nổi, thiếu sự kiểm soát dẫn đến tình trạng giống kém chất lượng tràn lan. Đây cũng chính là lý do khiến cho không ít nông dân ngậm ngùi nhìn những thửa ruộng, khu vườn đến ngày thu hoạch nhưng không đơm hoa, kết trái.

>>> Bài 1: Cung chưa đủ cầu

 

Bài 2:  Yếu từ khâu quản lý

Tràn lan giống kém chất lượng

Mấy chục năm trồng lúa, chưa khi nào người nông dân huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng gặp phải cảnh trồng lúa lại thu hoạch… cỏ như vụ Đông Xuân 2011. Khoảng 300 hộ dân xã Tân Văn, huyện Lâm Hà trồng giống lúa PC 10 do Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố cung cấp đã phải ngậm ngùi nhìn lúa đến ngày thu hoạch nhưng không kết hạt mặc dù được chăm sóc đúng kỹ thuật. Còn tại tỉnh Nghệ An, hàng trăm hộ nông dân ở huyện Con Cuông đã phải gieo cấy lại toàn bộ diện tích lúa Hè Thu 2011 vì mua phải giống lúa kém chất lượng, hạt không nảy mầm… Mới đây nhất, trong tháng 8/2011, 3ha ngô NK6654 mà nông dân xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An nhận từ Công ty Giống Bắc Giang trồng đến ngày thu hoạch chỉ có cùi mà không có hạt. PGS.TS Phạm Văn Chương, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ cho rằng, nguyên nhân chính của hiện tượng ngô, lúa không có hạt là do chất lượng giống không đảm bảo, rất có thể do hạt giống đã sang thế hệ thứ 2.

Tại Hà Nội, trong những năm gần đây, tình trạng đưa giống kém chất lượng về cho người nông dân vẫn còn tồn tại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Gần đây nhất là vụ Đông Xuân 2010 - 2011, gần 20ha trồng khoai tây giống mới của người dân xã Cổ Loa, huyện Đông Anh do Xí nghiệp Giống cây trồng Yên Khê cung cấp có năng suất chỉ đạt hơn một nửa so với giống cùng loại mua tại địa phương. Theo GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, tình trạng giống kém chất lượng trôi nổi trên thị trường hiện vẫn còn khá phổ biến và phần thiệt thòi thuộc về người nông dân. Nếu không may mua phải giống rởm, năng suất, hiệu quả gieo trồng bị giảm. Như tại đồng bằng sông Cửu Long, lượng giống lúa tốt (siêu nguyên chủng, nguyên chủng) chỉ chiếm khoảng 25 - 30%, còn lại là giống nhân dân tự làm, chất lượng thấp, làm giảm năng suất từ 10 - 15%.

Lỗ hổng quản lý

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng giống kém chất lượng tràn lan trên thị trường ở nước ta hiện nay là do khâu quản lý nguồn giống còn nhiều hạn chế. Hiện, nước ta có hai hệ thống cung ứng giống chính. Một là hệ thống sản xuất giống của nhà nước, các công ty lớn cung cấp các giống có chất lượng tốt nhưng số lượng ít. Hai là hệ thống sản xuất giống cộng đồng với số lượng lớn nhưng chất lượng không cao. "Người dân thấy giống tốt, nhân giống hàng loạt rồi đem bán mà không có một cơ quan nào kiểm tra, giám sát. Giống thật giả lẫn lộn, đến lúc cây không có quả, hạt cũng không ai chịu trách nhiệm" - GS.VS Trần Đình Long chia sẻ.

TS Đặng Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hoa, cây cảnh (Viện Nghiên cứu rau quả) cho biết, việc người dân tự nhân giống theo cách truyền thống dẫn đến chất lượng giống cây trồng không đảm bảo, giống dễ bị nhiễm bệnh. Như trong sản xuất hoa, giống mới chỉ đáp ứng một phần rất thấp nhu cầu sản xuất, còn lại chủ yếu do người dân tự để và nhân giống, chủng loại cây giống không phong phú. Kết quả sản xuất ra các loại hoa không đồng đều, chất lượng kém, không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ước tính hàng năm lĩnh vực trồng trọt cần khoảng 1 triệu tấn hạt giống cây trồng các loại. Tuy nhiên, do năng lực sản xuất giống hạn chế, cùng với sự yếu kém về quản lý dẫn đến tình trạng nhiều giống chưa được khảo nghiệm đã đưa vào sản xuất đại trà. PGS.TS Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm lấy ví dụ, giống lúa PC 10 của Viện khi đưa vào miền Nam thì một số đơn vị đã chọn ra 1 dòng khác chưa được công nhận đem kinh doanh. "Các nhà khoa học chỉ đưa ra giống mới cho một vùng nhất định, nếu đưa ngoài vùng đó thì phải tiến hành khảo nghiệm và công nhận sau đó mới cho sản xuất đại trà" - ông Hoàn bày tỏ. Gần đây, tại một số tỉnh Tây Bắc, cây cao su mặc dù chưa được khảo nghiệm, đánh giá kỹ lưỡng đã được đưa về trồng ồ ạt đã khiến cho không ít người lo ngại.

Việc quản lý nguồn giống hiện vẫn đang là khâu yếu của ngành nông nghiệp. Không đâu xa, ngay trên địa bàn Hà Nội, mỗi hộ dân có thể tự chiết cây ăn quả đem bán theo kiểu người người sản xuất giống, nhà nhà sản xuất giống mà không được bất cứ cơ quan nào kiểm định về chất lượng.

Ông Trần Xuân Việt

Phó Chủ tịch UBND TP