Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn: Lợi ích kép từ chuỗi liên kết giá trị

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước nhu cầu lớn cũng như đòi hỏi khắt khe về thực phẩm an toàn (TPAT) hiện nay, liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản theo chuỗi đang được xem là “cứu cánh” cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.

Vơi bớt nỗi lo chất lượng
Ngày nào chị Đinh Thị Sen (phố Vũ Hữu, quận Thanh Xuân) cũng ra chợ Phùng Khoang để mua thực phẩm về chuẩn bị bữa ăn cho gia đình. Công việc tưởng chừng đơn giản đó với chị lại không dễ, đặc biệt là trong bối cảnh thực phẩm không rõ nguồn gốc tràn lan tại các khu chợ hiện nay. Ấy thế nhưng hơn một tuần qua, nỗi lo đó của chị đã được loại bỏ khi cửa hàng nông sản và TPAT nằm trong chợ Phùng Khoang đi vào hoạt động. Cửa hàng do Liên hiệp HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản TPAT Hà Nội triển khai. Chị Sen cũng như nhiều khách hàng cảm thấy an tâm với thực phẩm bày bán tại cửa hàng, bởi tất thảy đều có nguồn gốc xuất xứ, tem mác rõ ràng, được các cơ quan có thẩm quyền chứng nhận bảo đảm ATVSTP.   

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại cửa hàng nông sản và thực phẩm an toàn trong chợ Phùng Khoang (quận Thanh Xuân).

Không chỉ người tiêu dùng, đơn vị cung ứng nông sản cũng được hưởng lợi từ mô hình liên kết theo chuỗi cửa hàng trên. Ông Nguyễn Mạnh Tùng - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) cho biết, HTX đang đầu tư sản xuất 61ha rau an toàn, cung ứng cho thị trường khoảng 2 tấn rau/ngày. Dù nông sản của HTX đã được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, tuy nhiên, việc tiêu thụ có lúc, có nơi còn gặp khó khăn do người dân vẫn có tư tưởng hoài nghi. Tham gia chuỗi cửa hàng cung ứng nông sản an toàn của Liên hiệp HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản TPAT Hà Nội, HTX không chỉ có thêm đầu ra ổn định cho sản phẩm, mà qua đó còn từng bước tạo được niềm tin đối với khách hàng. Ngoài HTX Dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam, 12 HTX khác trên địa bàn Hà Nội hiện cũng đang được hưởng lợi từ mô hình chuỗi liên kết sản xuất - cung ứng nông sản và TPAT tại chợ Phùng Khoang. 
Nghiên cứu nhân rộng
Theo ông Bùi Huy Hương - Kiểm soát viên chất lượng nông sản của Liên hiệp HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản TPAT Hà Nội, để có thể được lựa chọn là một trong những đơn vị cung ứng cho cửa hàng tại chợ Phùng Khoang, các HTX phải bảo đảm một loạt tiêu chí khắt khe, từ quy trình sản xuất tới đóng gói, bảo quản. Nông sản thực phẩm phải được các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Hà Nội cấp chứng nhận ATVSTP. Điều này đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng có được chất lượng tốt nhất.
Thực tế, cửa hàng nông sản và TPAT tại chợ Phùng Khoang mới chỉ là địa chỉ thực phẩm sạch đầu tiên có sự liên kết giữa các HTX. Quy mô của cửa hàng vẫn còn khá hạn chế và số đơn vị cung ứng hiện mới chỉ dừng ở con số 13. Sở dĩ vậy là bởi không phải HTX nào cũng có thể đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm được đặt ra. Ông Trần Văn Nghị - Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản TPAT Hà Nội cho biết, trên cơ sở đánh giá hiệu quả mô hình tại chợ Phùng Khoang, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu, từng bước mở rộng chuỗi cửa hàng, đáp ứng nhu cầu về nông sản sạch ngày một cao của người dân. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các HTX trên địa bàn Hà Nội. Ông Nghị cũng nhấn mạnh, tiêu chí chất lượng vẫn sẽ được đặt lên hàng đầu, bởi “chỉ khi có được niềm tin của khách hàng mới có thể thành công”.
“Việc hình thành những chuỗi liên kết cung ứng nông sản an toàn là phù hợp với xu thế, cũng như mối quan tâm hiện nay của cộng đồng về vấn đề ATVSTP. Đây sẽ là tiền đề thúc đẩy các HTX chú trọng đầu tư, sản xuất theo hướng an toàn. Tôi rất hy vọng, mỗi người tiêu dùng sẽ trở thành một “kiểm soát viên”, đóng vai trò giám sát, đánh giá chất lượng nông sản tại các cửa hàng, để mỗi đơn vị sản xuất có trách nhiệm hơn đối với việc nâng cao chất lượng sản phẩm cung ứng tới tay người tiêu dùng…”.
Ông Nguyễn Quang MạnhChủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội