Sản xuất vaccine trong nước: Khó cũng phải làm

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước nhu cầu cấp bách về vaccine hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng ngay chương trình quốc gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine; tháo gỡ bằng được mọi khó khăn, vướng mắc, quyết tâm nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất bằng được vaccine phòng chống Covid-19.

Nhân viên Công ty Nanogen (Khu công nghệ cao, quận 9, TP Hồ Chí Minh) tập trung nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 mang tên Nanocovax. Ảnh: Nam Trần
Tín hiệu vui
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, vaccine là yếu tố có tính chất quyết định, chiến lược, lâu dài trong phòng chống dịch nói chung và đặc biệt là trong phòng chống dịch Covid-19 nói riêng. Trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam vừa phải giải quyết các bài toán cấp bách, trước mắt, vừa phải tính toán các vấn đề lâu dài, chiến lược. Vì vậy, cần đẩy mạnh tự nghiên cứu, phát triển, sản xuất bảo đảm nguồn vaccine phòng Covid-19 trong nước, đồng thời tham gia vào chuỗi cung ứng vaccine toàn cầu.

Việt Nam hiện có 3 đơn vị nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19, trong đó có đơn vị đã chuẩn bị thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 giai đoạn 3. Mặt khác, Việt Nam có kế hoạch mua bản quyền, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cũng như liên doanh, liên kết đối với những đơn vị sản xuất vaccine trên thế giới để tự chủ được nguồn vaccine phòng Covid-19 sớm nhất.

Theo thông tin từ Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), đơn vị này bắt đầu tuyển tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine Covid-19 Nano Covax. Được biết, trong giai đoạn 3, tác dụng của vaccine với biến thể của SARS-CoV-2 tìm thấy lần đầu tại Ấn Độ sẽ được nghiên cứu, đánh giá. Nếu thuận lợi, đến cuối tháng 9, thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ hoàn tất.

Tất cả các lô vaccine trước khi tiêm thử nghiệm đều chịu sự giám sát, đánh giá chất lượng nghiêm ngặt của Bộ Y tế. Vaccine Nano Covax (do công ty Nanogen phát triển), là vaccine Covid-19 "made in Vietnam" đầu tiên ở nước ta được cấp phép thử nghiệm. Giai đoạn 1 bắt đầu từ tháng 12/2020 thử nghiệm trên 60 người. Giai đoạn 2 bắt đầu từ cuối tháng 2/2021 trên 556 người. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là người đã tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax giai đoạn 2. Ông cho biết sau tiêm ông gặp một số phản ứng như sốt nhẹ, váng đầu... nhưng đều hết trong một ngày. Sau tiêm mũi thứ nhất cơ thể ông sinh kháng thể ở mức tốt.

“3 không và 5 thật”

Tại buổi làm việc mới đây với các nhà khoa học, các đơn vị, DN tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ hai trụ cột của chiến lược vaccine là: Phải huy động mọi nguồn lực, mọi khả năng, tiếp cận dưới mọi hình thức, bằng mọi cách để mua được vaccine nhiều nhất, nhanh nhất; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước. Cùng với đó, tiến hành bảo quản, tiêm vaccine nhanh nhất, an toàn nhất, hiệu quả nhất cho người dân. Tất cả những công việc này phải tiến hành khẩn trương, “vừa chạy vừa xếp hàng”.

Hiện nay việc tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới không dễ dàng, ngân sách còn khó khăn, việc tiêm vaccine lại phải tiến hành định kỳ lâu dài theo tinh thần “sống chung an toàn với dịch bệnh”. Do đó, việc sản xuất vaccine trong nước là chiến lược lâu dài, là giải pháp bền vững để phòng chống dịch Covid-19.

Thủ tướng khẳng định quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn là “3 không và 5 thật”. “3 không” là “không nói không , không nói khó, không nói có mà không làm”. “5 thật” là “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, Nhân dân và DN được thụ hưởng thành quả thật”.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine; báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc về thể chế, tài chính, con người, quy trình thử nghiệm, đánh giá và cấp phép vaccine. Bên cạnh đó, làm tốt công tác dự báo để cân đối cung cầu, điều tiết về mặt vĩ mô, tránh lãng phí nguồn lực. Xây dựng kế hoạch chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 trong thời gian tới.
Quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thời gian, nguồn lực đều có hạn nên phải làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, cụ thể là quyết tâm nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất bằng được vaccine Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần