Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sáng kiến giúp kinh tế toàn cầu vượt khó

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington, Mỹ (13 - 15/10) đã kết thúc với những sáng kiến nhằm hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu vượt qua những thách thức trong giai đoạn mới.

Bổ sung chính sách tiền tệ “siêu lỏng”
Theo tuyên bố chung Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế (IMFC) đưa ra sau hội nghị, triển vọng tăng trưởng toàn cầu đang trở nên vững chắc nhờ sản lượng công nghiệp, đầu tư và thương mại tăng, tuy nhiên chưa hoàn toàn phục hồi trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát của đa số các nền kinh tế phát triển chưa đạt mục tiêu. IMFC cảnh báo các nhà hoạch định chính sách không nên “tự mãn” khi nhiều quốc gia đối mặt với những thách thức mới về tăng trưởng, trong đó có tấn công mạng và biến đổi khí hậu.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde.
Tuyên bố chung tái khẳng định cam kết của các nước thành viên về việc kiềm chế hạ giá đồng nội tệ để tạo lợi thế cạnh tranh và kêu gọi các nhà hoạch định chính sách bổ sung chính sách tiền tệ “siêu lỏng” nhằm củng cố đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu cũng kêu gọi các ngân hàng T.Ư duy trì lãi suất cho vay thấp trong thời gian dài giúp thúc đẩy đà phục hồi vốn của nền kinh tế thế giới hiện nay. Trước đó, Giám đốc IMF Christine Lagarde và Chủ tịch WB Jim Yong Kim kêu gọi các quốc gia tiến hành cải cách để đề phòng các “cú sốc” trong tương lai, bao gồm giảm nợ công, giảm phụ thuộc vào các dòng vốn không ổn định...
Vượt qua “chủ nghĩa bảo hộ”
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfang Schaeuble, Chủ tịch luân phiên của phiên họp đã chỉ trích sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ cũng như tư tưởng chống thương mại tự do. Theo ông Schaeuble, thương mại tạo cơ hội cho hàng triệu người thoát khỏi nghèo đói, cũng như đem đến sự ổn định và thịnh vượng trên thế giới. Các biện pháp bảo hộ thương mại sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng chung, do đó ông Schaeuble kêu gọi các nước "cần cởi mở hơn".
Liên quan đến nền kinh tế châu Âu, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của IMF Maurice Obstfeld cảnh báo nguy cơ "rối loạn" trong lòng châu Âu nếu Anh và EU không thể giải quyết ổn thỏa những khác biệt trong quá trình đàm phán để London rời khỏi khối này (Brexit). Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire kêu gọi EU "đoàn kết và tham vọng" trong bối cảnh Lục địa già đang đối mặt tình hình chủ nghĩa dân tộc gia tăng. Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều lãnh đạo tài chính thế giới đang lo lắng về việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ theo đuổi chính sách "nước Mỹ trên hết", cũng như những lo ngại về địa chính trị khác...
Một vấn đề quan trọng đưa ra bàn thảo lần này là WB dự định tăng mạnh nguồn vốn cho vay phục vụ phát triển, đã vấp phải sự phản đối của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định WB cần cắt giảm hỗ trợ cho các nền kinh tế mới nổi vốn, theo đó đề xuất những nền kinh tế tương đối mạnh và phát triển trong các chương trình của WB như Trung Quốc, với 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối, sẽ không cần đến sự hỗ trợ của thể chế tài chính này. Việc này một lần nữa cho thấy sự trái chiều trong các chính sách kinh tế của Mỹ đối với các định chế rường cột theo đuổi tự do thương mại như IMF và WB.