Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sáng rõ thêm giá trị cuộc đời, sự nghiệp cụ Nguyễn Văn Tố

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 15/12, Thành ủy Hà Nội phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Nguyễn Văn Tố - Cuộc đời và sự nghiệp”.

Hội thảo được tổ chức tại quận Hoàn Kiếm là nơi sinh thành cụ Nguyễn Văn Tố - Trưởng Ban Thường trực Quốc hội khóa I. TS Nguyễn Văn Phong - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và PGS.TS Phạm Ngọc Anh - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và Các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) chủ trì hội thảo.
quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Văn Phong - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy nêu rõ: Việc nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp cụ Nguyễn Văn Tố nhằm đánh giá khách quan, chính xác những công lao và cống hiến to lớn với cách mạng Việt Nam đối với nhà trí thức, liệt sĩ Nguyễn Văn Tố, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của Nhân dân ta.

Hà Nội tự hào là quê hương của chí sĩ yêu nước Nguyễn Văn Tố. Tấm gương của cụ Nguyễn Văn Tố góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng Thủ đô.

Đề dẫn hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Thân, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng khẳng định: 58 tuổi đời sống vì dân tộc, cụ Nguyễn Văn Tố đã để lại nhiều công trình nghiên cứu liên ngành và chuyên sâu, bao quát nhiều lĩnh vực khoa học xã hội như sử học, văn học, văn bản học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tộc học, tôn giáo học, văn hóa học, văn hóa dân gian… Tuy nhiên, nhưng thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của ông đến nay chưa thật toàn diện và sâu sắc, đòi hỏi cần được tiếp tục làm rõ.

Cụ Nguyễn Văn Tố, sinh năm 1889, trong một gia đình có truyền thống nho giáo thuộc làng Đông Thành, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Thời Pháp thuộc, cụ Nguyễn Văn Tố làm việc tại trường Viễn Đông Bác Cổ, một trung tâm nghiên cứu khoa học của Việt Nam và cả Đông Dương.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, cụ Nguyễn Văn Tố có những đóng góp quan trọng trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Hà Nội nói riêng.
Là người hoạt động tích cực trong các tổ chức yêu nước, một nhà tri thức có uy tín, cụ Nguyễn Văn Tố từng giữ nhiều trọng trách: Hội trưởng Hội Trí Tri, Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ.
Những năm trước Cách mạng tháng Tám, cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng với những trí thức yêu nước như Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp tổ chức xóa mù chữ, nâng cao dân trí và ý thức chính trị trong Nhân dân.
Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ thành lập, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, mời cụ Nguyễn Văn Tố tham gia Chính phủ lâm thời và giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Ông đã tổ chức vận động nhân dân chống “giặc đói” và “giặc dốt”.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế&Đô thị đọc tham luận tại hội thảo.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế& Đô thị Nguyễn Minh Đức tham luận tại hội thảo.
Tháng 9/1945, Hà Nội đã có hơn 2.000 thanh niên, nam nữ xung phong làm giáo viên giảng dạy, phát hành hàng vạn sách học đánh vần, đáp ứng yêu cầu của hàng nghìn lớp học tại các gia đình, cơ quan, xí nghiệp, trường học, đình, chùa… thu hút hàng vạn người theo học vào các buổi sáng, trưa, chiều, tối, nhờ đó đã xóa mù chữ cho hàng triệu người.

Là người có uy  tín và bằng biện pháp tích cực, nạn đói được đẩy lùi, đời sống Nhân dân, nhất là nông dân được cải thiện, sản xuất được phục hồi, nền tảng của chế độ mới thêm vững chắc. Đó chính là công lao to lớn mà cụ Nguyễn Văn Tố đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Kỳ họp thứ nhất, ngày 2/3/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các đại biểu đã nhất trí bầu cụ Nguyễn Văn Tố làm trưởng ban Thường trực Quốc hội.
Trên cương vị mới, cụ Nguyễn Văn Tố có những đóng góp quan trọng vào việc ký kết hai văn bản Hiệp định 6/3 và Tạm ước 14/9/1946, tạm thời hòa hoãn thực dân Pháp, giúp Đảng và Chính phủ có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài. Cụ Nguyễn Văn Tố còn trực tiếp cùng Quốc hội xây dựng Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà nhiều Điều đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Được Bác Hồ tin tưởng giao giữ chức Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ, cụ Nguyễn Văn Tố đã có nhiều đóng góp trong việc kiến thiết xây dựng nước nhà. Toàn quốc kháng chiến, cụ Nguyễn Văn Tố cùng Chính phủ lên Việt Bắc hoạt động.

Tháng 10/1947, trong một lần giặc Pháp cho quân nhảy dù xuống Bắc Kạn âm mưu tiêu diệt đầu não kháng chiến của ta, cụ bị bắt và hy sinh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Cụ Tố hy sinh là một tổn thất lớn cho ta” tại lễ truy điệu vị Bộ trưởng đầu tiên hy sinh trước họng súng quân thù. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự tay viết văn tế truy điệu cho liệt sỹ Nguyễn Văn Tố.

Tham luận tại hội thảo, PGS - Nhà giáo Nhân dân Lê Mậu Hãn, TS Ngô Vương Anh, nhà nghiên cứu Ngô Thế Long đã làm rõ hơn giá trị lịch sử, những đóng góp to lớn của cụ Nguyễn Văn Tố cả trên chính trường, truyền bá Quốc ngữ và các nghiên cứu về văn hóa.

Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức và Trưởng Ban liên lạc Hội truyền bá Quốc ngữ Nguyễn Thìn Xuân cũng cung cấp những thông tin, tư liệu quý về thân thế, sự nghiệp và hành trình đi tìm các chứng tích, hài cốt cụ Nguyễn Văn Tố.

Các đại biểu cũng đề nghị thời gian tới, các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện những tư liệu, biên niên sử chính xác, đồng thời xây dựng khu lưu niệm về cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Văn Tố - nhà trí thức, vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.